Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP.HCM) cho biết những ngày qua, Khu đô thị số 1 đã tháo dỡ phần dải phân cách trồng cây trên đường Trần Quốc Hoàn đoạn từ khúc giao với Huỳnh Lan Khanh đến Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình).
Sau khi tháo dỡ, đoạn đường trên sẽ được san lấp, tái lập mặt đường và phân làn giao thông. Giải pháp này nhằm tăng thêm diện tích để người dân có thể lưu thông trên đường theo hướng từ sân bay ra nút giao Lăng Cha Cả (quận Tân Bình).
Đường Trần Quốc Hoàn, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mở rộng trước Tết Đinh Dậu 2017 để giảm kẹt xe. Ảnh: Lê Quân. |
Cũng theo ông Ninh, hai dự án cầu vượt thép vừa được Thủ tướng phê duyệt đầu tư xây dựng theo lệnh khẩn cấp sẽ được triển khai ngay đầu năm 2017. Đó là dự án cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (quận Tân Bình).
Cầu vượt được thiết kế là công trình vĩnh cửu hình chữ Y, cho xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Sơn vào nhà ga quốc tế, nhánh cầu vào nhà ga quốc nội.
Dự án còn lại là cầu vượt tại vòng xoay nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp - quận Phú Nhuận) với kinh phí hơn 500 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, hai dự án sẽ hoàn thành trong năm 2017, nhằm giảm ùn tắc giao thông ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt là giảm lượng xe từ khu vực quận Gò Vấp đi qua quận Tân Bình và ngược lại.
Sơ đồ các dự án giảm ùn tắc giao thông sân bay Tân Sơn Nhất. Đồ họa: Minh Trí. |
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay lượng hành khách ra vào sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu đi theo đường đường Trường Sơn (quận Tân Bình).
Đồng thời, đường Trường Sơn cũng được sử dụng chung cho người dân có hướng lưu thông từ quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức, tỉnh Bình Bương qua khu vực quận Tân Bình, trung tâm thành phố và ngược lại.
Chính vì thế, thời gian gần đây, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc giao thông nghiêm trọng, đặc biệt giờ cao điểm và các ngày nghỉ lễ.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, Sở GTVT TP.HCM sẽ triển khai 6 dự án kéo giảm ùn tắc các tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư hơn 1.380 tỷ đồng.
Ông Cường cũng cho biết thành phố chỉ có quyền thực hiện các dự án ở xung quanh cho đến hàng rào của sân bay để giải quyết ùn tắc bên ngoài, còn việc mở rộng phía bên trong thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.
Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải từ bên trong ra bên ngoài từ nhiều năm nay. Ảnh: Lê Quân. |
Ngoài hai dự án cầu vượt, bốn dự án còn lại cũng bắt đầu triển khai ngay trong năm 2017, gồm dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám, đoạn gần đường Phổ Quang (quận Phú Nhuận); dự án mở rộng đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đoạn cạnh nút giao thông Lăng Cha Cả, đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) đoạn từ Cộng Hòa vào sân bay và mở rộng đoạn đường Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình).
Mới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM sớm hoàn thành đề án quy hoạch tổng thể mở rộng, nâng công suất sân bay lên 40-50 triệu khách/năm.
Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 25 triệu khách mỗi năm nhưng hiện đã đón 32 triệu, vượt 30% so với thiết kế. Không chỉ trong sân bay quá tải mà các tuyến đường bên ngoài sân bay thường xuyên bị ùn tắc cả ngoài khung giờ cao điểm.
Theo Zing