Cách Iskander-M lộ diện
Theo truyền thông Mỹ, một công ty vệ tinh Israel (ISI) xác nhận rằng Nga đã triển khai tên lửa đạn đạo Iskander-M tại căn cứ không quân Hmeymim ở Syria. Hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao do ISI chụp vào ngày 28/12 đã cung cấp bằng chức xác thực về sự xuất hiện của vũ khí đặc biệt này.
Căn cứ vào hình ảnh được ISI công bố cho thấy, có 2 xe mang phóng của tên lửa Iskander-M đậu bên cạnh đường băng ở khu vực Đông Bắc, sân bay thuộc căn cứ Hmeymim.
Sau khi nghiên cứu những bức ảnh do ISI cung cấp, nhiều chuyên gia nhận định, Nga đang sử dụng biện pháp ngụy trang để che giấu sự hiện diện của tên lửa. Bên cạnh đó, thời tiết ở Latakia đang có mưa nên quân đội Nga đã phủ thêm bạt che phủ bên ngoài lưới ngụy trang.
Hệ thống Iskander-M được nhìn thấy tại Syria. |
Thông tin về việc Nga đưa tên lửa Iskander-M tới Syria xuất hiện gần như cùng lúc Moscow tuyên bố giảm lực lượng quân sự tại đây. Và đây cũng là cách hệ thống này lần đầu lộ diện khi Tổng thống Nga Putin cũng tuyên bố rút bớt lực lượng tại Syria về nước.
Hình ảnh hệ thống tên lửa Iskander-M xuất hiện lần đầu vào tháng 3/2016 trong đoạn video tổng kết chiến dịch quân sự Nga thực hiện tại Syria. Đoạn video do kênh truyền hình Star phát sóng cho thấy, sau hình ảnh chiếc máy bay vận tải An-124 Ruslan cất cánh trên đường băng, tên lửa chiến thuật Iskander-M đã lộ diện tại phía bên ngoài đường băng, sát khu vực trống của sân bay Hmeymim.
Dù Nga chưa một lần thừa nhận về sự có mặt của hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M tại Syria nhưng hình ảnh về hệ thống tên lửa này xuất hiện tại căn cứ không quân Hmeymim gần như đã khẳng định những đồn đoán của phương Tây về vũ khí này là có căn cứ.
Trước đó, trang Military-informant cho biết, ngay trước thời điểm Tổng thống Putin tuyên bố rút bớt lực lượng, Nga đã đưa hệ thống vũ khí bí ẩn đến Syria. Nguồn tin cho biết, vào đêm 14/3, hai máy bay vận tải quân sự đã âm thầm hạ cánh xuống căn cứ không quân Hmeymim.
Lập tức, thiết bị quân sự bao gồm các bộ phận tháo rời của tên lửa và các xe tải chuyên dụng loại MZKT được bốc dỡ từ 2 chiếc máy bay này. Nga đã che chắn rất cẩn thận cho hai xe chiến đấu 6 bánh chủ động được phủ bạt kín cùng 3 xe tải chuyên dụng nhanh chóng rời khu vực sân bay. Hộ tống đoàn xe này là những chiếc xe bọc thép chiến đấu.
Theo phỏng đoán của Military-informant, gần như chắc chắn đây chính là hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật mới nhất của Nga là Iskander-M có tầm bắn lên tới 500km, bởi hệ thống tên lửa này thường được Nga bố trí trên khung gầm xe tải quân sự MZKT-7930.
Nguyên nhân khiến Israel sốt sắng
Dù được bảo vệ bằng lưới lửa phòng không 3 tầng nhưng trước tầm bắn của tên lửa Iskander-M tại Syria, thật dễ hiểu vì sao Israel lại tỏ ra sốt sắng về sự có mặt này.
Bộ 3 lá chắn tên lửa của Israel hiện nay gồm: Iron Dome chống tên lửa tầm thấp và rocket, hệ thống David’s Sling chống tên lửa tầm trung sẽ được quân đội nước này triển khai vào đầu năm 2016 và Arrow sẽ giúp Israel phòng ngự từ tầm cao.
Israel thử nghiệm hệ thống Arrow. |
Tuy nhiên, dù được bảo vệ với 3 lớp phòng thủ nhưng Israel vẫn không thể yên lòng bởi "phong độ" không ổn định của hệ thống đánh chặn tầm cao Arrow 3 và Iron Dome. Được biết, lần thất bại gần đây nhất của Arrow 3 là cuối năm 2014.
Theo đó, Israel đã thất bại trong lần thử nghiệm lá chắn tên lửa đạn đạo Arrow được nâng cấp đầu tiên. Đây là bước thụt lùi mới nhất của hệ thống tên lửa đánh chặn do Mỹ hỗ trợ này, vốn được xem là bức tường thành bảo vệ Israel trước mối đe dọa từ Iran.
Nguồn tin trên cho hay đơn vị vận hành khẩu đội tên lửa Arrow 3 tại căn cứ không quân Palmahim trên bờ biển Địa Trung Hải đã hủy lệnh phóng tên lửa đánh chặn sau khi không thể khóa được tên lửa mục tiêu được bắn qua vùng biển này.
Nguồn tin giấu tên nêu rõ: "Đã có lệnh đếm ngược được phát ra, song sau đó không có điều gì xảy ra. Một quyết định được đưa ra nhằm tránh lãng phí tên lửa đánh chặn".
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Israel chỉ cho biết "trong khuôn khổ hoạt động chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm đánh chặn trong tương lai, một tên lửa mục tiêu được phóng đi và đã bay theo quỹ đạo định sẵn".
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên trong thời gian qua, việc thử nghiệm hệ thống tên lửa đánh chặn Arrow của Israel có vấn đề. Hồi tháng 9/2014, dù Israel tuyên bố đã thử nghiệm thành công hệ thống đánh chặn Arrow nhưng toàn bộ vụ thử đã bị hệ thống radar Nga giám sát.
Rõ ràng với phong độ thất thường của hệ thống Arrow, Israel có lý do phải đau đầu nếu phải đối đầu với loại tên lửa tối tân như Iskander-M.
Theo Dân Trí