Khi gia nhập đội ngũ nhân viên Nhà Trắng, quan điểm về Nga, chống khủng bố, củng cố quân đội hay các vấn đề an ninh khác của ông McMaster không chỉ trái ngược với những cố vấn trung thành của ông Trump mà còn khác biệt hoàn toàn với những gì Tổng thống đã thể hiện.
Tuy nhiên, tân cố vấn an ninh không hề đơn độc. Những đồng minh nổi bật nhất của ông McMaster có thể kể đến Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain và những cấp dưới đã làm việc với ông nhiều năm qua.
Hôm 21-2, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho biết ông Trump đã nói với cố vấn an ninh mới rằng "ông có toàn quyền tổ chức đội ngũ an ninh quốc gia theo cách ông muốn". Tuy nhiên, trước đó ông Trump đã có một hành động bất thường khi bổ nhiệm ông Steve Bannon, trưởng cố vấn chiến lược có tư tưởng cực hữu, vào Hội đồng An ninh Quốc gia.
Một trong những phép thử đầu tiên về tầm ảnh hưởng của ông McMaster là việc xem xét chính sách của Mỹ tại Syria và cuộc chiến chống các tay súng Hồi giáo cực đoan. Các quan chức của Lầu Năm Góc thông báo kết quả xem xét sẽ được công bố vào đầu tuần sau.
Tân cố vấn an ninh quốc gia Herbert Raymond McMaster. |
Trên tạp chí Phê bình Quân sự, ông McMaster từng cảnh báo hành động tăng cường lực lượng như ông Trump đã làm để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể phản tác dụng.
"Tại Iraq, sự thiếu hiểu biết về các cộng đồng dân cư, dân tộc thiểu số và những động cơ tôn giáo của các cuộc xung đột, v.v... có thể dẫn đến các chiến dịch quân sự. Những cuộc giao tranh này sẽ khiến nỗi sợ và cảm giác bị xúc phạm danh dự của người dân trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến việc các lực lượng nổi dậy được tiếp thêm sức mạnh" - ông McMaster viết.
Phép thử sớm thứ 2 của ông McMaster là chính sách liên quan đến Nga. Không giống như người tiền nhiệm Michael Flynn và Tổng thống Trump, ông McMaster xem Moscow là đối thủ chứ không phải đối tác tiềm năng.
Vào tháng 5-2016, tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, ông McMaster từng chỉ ra rằng việc Nga sáp nhập Crimea và hậu thuẫn quân ly khai ở miền Đông Ukraine là bằng chứng của việc nỗ lực "làm sụp đổ thế giới hậu Thế chiến II, hậu Chiến tranh Lạnh, phá vỡ trật tự an ninh, kinh tế và chính trị ở châu Âu và thay thế bằng thứ gì đó đem lại nhiều lợi ích hơn cho Nga".
"Tôi nghĩ những thử thách thật sự mà ông ấy sắp đối mặt không phải là chiến lược hay trách nhiệm toàn cầu của cường quốc duy nhất trên thế giới. Ông ấy biết phải làm thế nào với chúng. Thách thức thật sự của ông McMaster chính là vấn đề đạo đức khi phải đối phó với một chính quyền không mấy khi rõ ràng trong việc ủng hộ các giá trị Mỹ" - ông John Nagl, một đại tá về hưu, nhận định.
Theo NLĐ