'Kỷ nguyên Park Chung Hee': Kẻ độc tài và nhà kiến tạo

Thứ ba, 21/02/2017, 15:40
Trong hành trình bước vào kỷ nguyên “hóa hổ” của dân tộc Hàn Quốc, Park Chung Hee hiện lên trong vai trò người dẫn đường nhiệt thành nhưng đồng thời như một kẻ độc tài sắt lạnh.

Trở thành Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc vào năm 1963 sau một cuộc đảo chính quân sự, Park Chung Hee được xem là người thành lập nền Cộng hòa thứ ba và nắm giữ vị trí đứng đầu đất nước lâu nhất trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại.

Trong quá trình điều hành quốc gia suốt 16 năm của mình, ông đã có công lớn trong việc tiến hành cải tổ lại toàn diện đất nước, đặc biệt là về mặt kinh tế, xã hội để chính từ đó, Hàn Quốc bước vào thời kỳ phát triển thần tốc và trở thành một trong những siêu cường của châu Á như ngày hôm nay.

Cuốn sách Kỷ nguyên Park Chung Hee.

Tuy nhiên, bên cạnh công lao to lớn kể trên, Park Chung Hee cũng bị chỉ trích và lên án mạnh mẽ như một nhà độc tài, thủ tiêu dân chủ cũng như xâm phạm nghiêm trọng những quyền con người trong suốt thời gian tại vị.

Chính vì vậy, việc đánh giá và nghiên cứu một cách cụ thể về nhân vật này đã được chú trọng và thực hiện từ rất sớm bởi các chuyên gia, học giả ở cả bên trong và ngoài phạm vi đất nước Hàn Quốc. Một trong số những công trình nổi bật nhất thuộc mảng đề tài này chính là Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc.

Được NXB Đại học Harvard phát hành vào năm 2011 bằng tiếng Anh với tựa đề gốc The Park Chung Hee Era: The Transformation of South Korea, cuốn sách dày gần 900 trang này là công trình nghiên cứu được Giáo sư Đại học Harvard Ezra F. Vogel và Giáo sư Đại học Hàn Quốc Kim Buyng Kook đồng chủ biên cùng với sự tham gia của 19 Giáo sư, chuyên gia nghiên cứu Hàn Quốc.

Trong cuốn sách, lần lượt những vấn đề liên quan đến nhân vật chính trị đặc biệt này cùng những sự kiện, biến động diễn ra trong nội bộ đất nước Hàn Quốc suốt thời gian cầm quyền của Park Chung Hee trên nhiều phương diện, đặc biệt là chính trị và kinh tế đã được nêu lên kèm theo những phân tích và đánh giá một cách cụ thể và khách quan.

Các nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của những chính sách đổi mới được ông Park khởi xướng và thực thi trong khoảng thời gian tại vị. Bên cạnh giáo dục được xem như quốc sách hàng đầu, có hai chính sách nổi trội khác cần phải kể đến là chương trình Saemaul (phong trào Cộng đồng mới) nhằm canh tân nông thôn và chính sách ưu đãi dành cho các Chaebol nhằm tạo ra những quả đấm thép để phát triển nền công nghiệp Hàn Quốc.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại tất cả những chính sách được ra trong giai đoạn này, tựu trung lại, chúng ta có thể nhận ra một điều cốt lõi đó chính là việc tập trung phát triển tối đa nội lực con người để làm tiền đề cho sự thay đổi về các phương diện khác. Điều đó được cụ thể hóa thông qua quá trình áp dụng những chính sách này vào thực tế và những kết quả cụ thể được tạo ra sau đó.

Ông Park Chung Hee với phong trào cách tân nông thôn Hàn Quốc.

Mặt khác, để có được thành công trong việc phát triển, chúng ta không thể phủ nhận tác động rất lớn từ chính sự nghiêm túc và minh bạch trong vấn đề điều hành đất nước và triển khai các mục tiêu của chính phủ Park Chung Hee.

Bên cạnh đó, một số hướng đi khác của chính phủ Park trong vấn đề ngoại giao, quân sự bên cạnh việc đem lại lợi ích lớn cho công cuộc hiện đại hóa đất nước cũng gây nên những tác động rất lớn đến tình hình khu vực và quốc tế như tái lập quan hệ với Nhật Bản, liên minh với Hoa Kỳ, điều quân tham chiến ở chiến trường Việt Nam…

Nhưng hơn hết thảy, bằng suy nghĩ và hành động của cá nhân cũng như trong các vấn đề đất nước, Park Chung Hee đã khơi dậy niềm tin, tinh thần tự cường và khát vọng đổi mới, phát triển một cách mạnh mẽ ở người dân Hàn Quốc. Đây cũng chính là điểm then chốt để giải mã cho “kỳ tích sông Hàn”.

Dù vậy, cùng với quá trình nắm quyền lâu dài và những thành tựu trong phát triển, Park Chung Hee lại dần lún sâu vào con đường độc tài. Ở một vài thời điểm của quá trình phát triển, sự độc tài của ông tỏ ra có hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, về lâu dài, với lý do ổn định và phát triển xã hội, ông lại coi đây như một công cụ duy trì quyền lực để rồi từ đó trở thành kẻ đối đầu với lý tưởng dân chủ, tự do để rồi kết thúc sự nghiệp chính trị kéo dài 19 năm của mình trong thảm khốc.

Thông qua Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, người đọc có thể có một sự hình dung tương đối đầy đủ về một giai đoạn đặc biệt nhất trong lịch sử Hàn Quốc nói chung và châu Á nói riêng, để rồi từ đó, đưa ra được những đánh giá, lý giải của riêng mình về hiện tượng Park Chung Hee và đất nước Hàn Quốc hiện đại trên cả hai phương diện tích cực lẫn tiêu cực.

Đồng thời, việc tham chiếu phương hướng hiện đại hóa của Hàn Quốc trong quá khứ sẽ phần nào tạo ra những bài học quý báu cho công cuộc xây dựng và phát triển của Việt Nam hiện nay.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích