Thổ Nhĩ Kỳ muốn đánh Raqqa, đường nào cũng khó
Nhật báo Hurriyet số ra ngày 18/2, Thổ Nhĩ Kỳ đã vạch ra hai phương án tiến đánh Raqqa, nhưng cả hai đều có vẻ như "bất khả thi" bởi nguy cơ đụng độ với quân đội Syria và dân quân người Kurd rất cao.
Theo đó, trong cuộc gặp gần đây tại căn cứ không quân Incirlik, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã đề xuất với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Jospeh Dunford hai phương án tiến đánh Raqqa, thủ phủ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Hai phương án Thổ Nhĩ Kỳ muốn đánh Raqqa. |
Phương án thứ nhất, liên quân Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ cùng lực lượng phiến quân ôn hòa tiến vào phía Nam Raqqa từ thị trấn Tal Abyad.
Để đi qua thị trấn Tal Abyad đòi hỏi phải đi qua vùng lãnh thổ hiện do Các lực lương Dân chủ Syria (SDF) do dân quân người Kurd làm nòng cốt chiếm đóng. Lực lượng này đang được Mỹ ủng hộ và SDF cũng không thể cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mượn đường tiến đánh Raqqa.
Ankara lâu nay vốn coi dân quân người Kurd là “khủng bố”. Gần đây, lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục đụng độ với lực lượng dân quân người Kurd ở Syria bởi theo chính quyền Tổng thống Erdogan, dân quân người Kurd ở Syria có liên hệ với “nhóm khủng bố” Đảng Công nhân Kurdistan (PKK).
Phương án thứ hai, lực lượng này sẽ từ thành phố al-Bab ở phía Đông Aleppo tới Raqqa. Phương án này khó khăn hơn bởi đây là mặt trận quân đội Syria đang ráo riết chiếm các khu vực phía Nam thành phố al-Bab, chặn đứng đường tiến quân của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hướng về phía Nam.
Nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cố tình tràn qua thành phố Deir Hafer, nhắm vào nhà máy nước Khafsa và bình nguyên Maskanah và thành công, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trực tiếp đối mặt với quân đội Syria và với cả Nga.
Hiện nay, quân đội Syria vẫn tiếp tục chiến dịch giải phóng thị trấn chiến lược Deir Hafer và nhắm đến đại bản doanh Al-Khafsa của phiến quân IS ở tỉnh Aleppo. Thị trấn Al-Khafsa nằm trên bờ Tây của sông Euphrates. Thị trấn Al-Khafsa có ý nghĩa chiến lược không chỉ vì là đại bản doanh của phiến quân IS ở tỉnh Aleppo, mà còn nằm gần chiến tuyến của Các lực lượng Dân chủ Syria do dân quân người Kurd làm nòng cốt.
Nếu chiếm được Al-Khafsa, quân đội Syria sẽ chặn đứng Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng “phiến quân ôn hòa” tiến về khu vực phía Nam màu mỡ gần sông Euphrates.
Xe tăng Leopard của Thổ Nhĩ Kỳ bị IS bắn trúng. |
Nhiều khả năng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chọn phương án 2. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng tuyên bố, mục tiêu tiếp theo sau khi giải phóng thị trấn al-Bab là thị trấn Manbij của Syria.
Chuyên gia phân tích Huseyin Bagci của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Ankara nói, thúc đẩy chiến dịch quân sự tại Syria sẽ tạo lợi thế cho Thổ Nhĩ Kỳ trong hoạt động hợp tác tương lai với Mỹ hay Nga về tiến trình chính trị tại Syria.
Ông Bagci nhận định: “Ý tưởng chính của Thổ Nhĩ Kỳ là ngăn chặn khả năng lực lượng dân quân người Kurd tại Syria có thể kiểm soát thêm nhiều khu vực. Do đó Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa ra bước đi phòng ngừa trước tiên, tạo lợi thế cho mình trong các hoạt động hợp tác với Mỹ hay cả với Nga trong tương lai”.
Tuy nhiên, giới phân tích trong nước cho rằng, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria sẽ đối mặt với sức ép cả về quân sự và ngoại giao.
Phát biểu trong chuyến thăm Đức hôm 18/2, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố, sẽ là vấn đề nghiêm trọng nếu Mỹ hợp tác với nhóm vũ trang người Kurd tại Syria trong chiến dịch tại Raqqa để đối phó với IS. Điều này có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa muốn đối đầu với lực lượng vũ trang người Kurd tại Syria, gây sứt mẻ với Mỹ trong thời điểm này.
Còn về mặt quân sự, để tiến sâu vào thị trấn Manbij, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần sự hỗ trợ lớn hơn từ lực lượng đối lập Syria, khi đó nước này sẽ phải đối mặt với sức ép từ Nga và Iran - hai nước vốn ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt của lực lượng vũ trang người Kurd tại Syria, khi tiến sâu vào thị trấn Manbij - một căn cứ vốn của IS nhưng hiện thuộc quyền kiểm soát của lực lượng người Kurd.
Thổ Nhĩ Kỳ thấy khó quá sẽ buông?
Trong khi đó, ngược lại với quan điểm trên, ông Hasan Kanbolat, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, dù gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia giải phóng Raqqa, Ankara có thể tìm cách kết hợp Nga hoặc Mỹ hay tự rút lui để quây vùng an toàn cho mình.
"Thổ Nhĩ Kỳ phải đẩy IS càng xa càng tốt về phía nam để bảo vệ biên giới với Syria có chiều dài khoảng 920km. Vì lý do này, Ankara thấy cần thiết tham gia hoạt động ở Raqqa, một trong những thành trì và được IS xem là “thủ đô”. Nhưng tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không thể một mình thực hiện chiến dịch. Ankara hy vọng sẽ làm điều này cùng với các lực lượng liên minh và sự hỗ trợ của Nga - là bên ủng hộ việc duy trì tính toàn vẹn của Syria”, ông Kanbolat nói.
Vị chuyên gia cho rằng, cũng không ngoại trừ khả năng Ankara sẽ muốn buông tay và hài lòng với vùng an toàn tại Syria.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn khép lại chiến dịch Lá chắn Euphrates, vì mục đích này mà Ankara có ý định thực hiện hoạt động ở Raqqa cùng với Mỹ và sự hỗ trợ của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách tạo vùng an toàn ở phía Tây sông Euphrates trên các lãnh thổ mà IS đã bị xóa sạch trong chiến dịch Lá chắn Euphrates. Ngoài ra, Ankara ủng hộ việc tuyên bố một vùng cấm bay ở đây, biến Quân đội Syria Tự do (FSA) thành lực lượng đảm bảo và duy trì an ninh trong khu vực" - ông Hasan Kanbolat dự đoán.
Lực lượng liên minh quân sự chiến dịch Lá chắn Euphrates cho biết đã gần tiến đến mục tiêu giải phóng hoàn toàn thành phố al-Bab khỏi sự chiếm đóng của IS. Thổ Nhĩ Kỳ muốn sử dụng chiến dịch Lá chắn Euphrates nhằm tạo ra một khu vực an ninh, ngăn chặn khả năng thành lập một quốc gia người Kurd trên vùng biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ và hậu thuẫn cho các lực lượng nổi dậy lật đổ chính quyền Damascus đương nhiệm.
Theo Đất Việt