|
Các lực lượng Iraq đang tiến về phía Tây Mosul ngày 19-2 - Ảnh: Reuters |
Chỉ trong ngày đầu tiên của chiến dịch, cánh quân phía Nam của Iraq đã giải phóng được 17 làng mạc và thị trấn, tiến đến chỉ cách sân bay quốc tế Mosul (vẫn do IS kiểm soát) chừng 5km. Bộ chỉ huy Iraq cho rằng lực lượng IS đang mất tinh thần và có hiện tượng tan rã khi bị tấn công.
Tử thủ
Khi bất ngờ đến Baghdad ngày 20-2, Bộ trưởng Quốc phòng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, tướng Jemes Mattis, nói theo các đánh giá tình báo rằng chỉ còn khoảng 2.000 tay súng IS đang trụ lại ở khu vực thành phố phía Tây Mosul.
Nhưng chắc chắn việc đánh đuổi IS khỏi thành phố này không hề đơn giản.
Phần phía Tây Mosul, nơi IS đóng đại bản doanh của tổ chức này tại Iraq, là khu đô thị chính của Mosul.
Khu vực này diện tích nhỏ hơn phần phía Đông đã được giải phóng hoàn toàn từ cuối năm 2016, nhưng có vai trò quyết định để Mosul được coi là đô thị lớn thứ nhì Iraq (chỉ sau thủ đô Baghdad) về mọi mặt.
Chiến tranh đường phố là điều bắt buộc đối với mọi lực lượng tấn công, nhất là trong hoàn cảnh dân thường còn kẹt lại đông đảo tới hàng triệu người.
Trong một chiến trường như thế, mọi thế mạnh hỏa lực của quân đội Iraq và Liên minh quốc tế (không quân, pháo binh, xe tăng...) đều bị hạn chế tối đa.
Đó là chưa kể đến việc IS đã chuẩn bị một thế trận thiên la địa võng, kể cả biển lửa bằng phóng hỏa các kho dầu và dùng dân thường làm “lá chắn sống”... để tử thủ.
Phía Iraq cho rằng phát động chiến dịch lúc này để hy vọng có thể giành thắng lợi trước khi mùa hè đổ lửa ập đến vào tháng 6.
Nhưng Mỹ thận trọng và thực tế hơn, hy vọng có thể giải quyết cả Mosul và Reqqa (thủ phủ IS ở Syria) “trong vòng 1 năm”! Tướng Mỹ Stephen Townsend, tư lệnh Liên minh quốc tế tại Iraq, nhận định mặt trận đánh IS ở Mosul “thật khó đối với bất cứ đạo quân nào trên thế giới”!
Thực tế chiến trường diễn ra từ khi mở màn chiến dịch mà Iraq phát động hồi giữa tháng 10-2016 nhằm đánh đuổi IS khỏi lãnh địa của chúng ở hầu hết tỉnh Ninawa, với thủ phủ là thành phố Mosul, đã chứng minh nhận định trên của viên tướng Mỹ.
Phải mất hai tháng rưỡi để giải phóng khu vực phía Đông Mosul, vùng lãnh thổ không có các cơ quan đầu não của IS, chủ yếu chưa đô thị hóa và không tập trung dân cư.
Sau đó, phải đến tận bây giờ mới tạm ổn việc truy quét tàn quân IS, tháo gỡ bom mìn và chuẩn bị phát động đợt 2 của chiến dịch.
Trong thời gian ấy, IS đã nhiều lần tổ chức tập kích trở lại khu vực đã giải phóng. IS còn thực hiện hầu như hằng ngày các vụ đánh bom liều chết đẫm máu nhắm vào thủ đô Baghdad và các tỉnh lân cận.
Mặt khác, IS ở Mosul đã khơi thông được những mạch liên hệ với khu vực phía Tây và sang Syria, để khôi phục sự chi viện qua lại giữa đôi bên biên giới.
Lực cản từ môi trường chính trị phức tạp
Từ đầu năm 2017 đến nay, trong hoàn cảnh Mỹ và đồng minh chuẩn bị ráo riết kế hoạch tiêu diệt IS đồng thời ở cả Mosul và Reqqa, đã xuất hiện những động thái mà Mỹ cho là IS đang chuẩn bị kiến tạo “căn cứ địa” mới của chúng ở khu vực rộng lớn đôi bên biên giới Syria - Iraq.
Khu vực này có thành phố thủ phủ tỉnh Deer Zour thuộc Syria và thành phố thị trấn biên giới al-Qa’im thuộc tỉnh al-Anba’r của Iraq, với cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất nối liền hai quốc gia.
Hồi giữa tháng 1-2017, IS đã tập trung lực lượng tấn công quy mô lớn vào các khu vực mà chính quyền Syria còn nắm giữ ở thành phố Deer Zour.
Hành động này của IS được cả Mỹ và Nga cho là nhằm chiếm quyền kiểm soát toàn bộ thành phố, bởi đây là đô thị lớn nhất vùng lãnh thổ phía Đông Syria, nơi hội tụ của những xa lộ liên kết với Reqqa ở phía Tây Bắc, al-Qa’im ở phía Đông Nam và nối với Mosul ở bên kia biên giới Iraq.
Nga đã phải yểm trợ không quân tích cực cho quân đội Syria để chưa bị thất thủ.
Trong khi đó, các lực lượng Iraq tham gia chiến dịch Mosul tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc tranh chấp phức tạp giữa các thế lực đối nghịch nhau trong và ngoài nước.
Mỹ phải rất vất vả để tác động Thủ tướng al-Abadi điều hành sự phối hợp giữa các đơn vị của phe Shiite (được Iran hậu thuẫn) ở phía Tây Mosul, người Kurd (có Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện) ở phía Bắc thành phố, lực lượng của Bộ Nội vụ Iraq (mà Bộ trưởng là người Shiite “nổi tiếng thân Iran”) đánh lên từ hướng Nam... cùng các đơn vị chuyên trách chống khủng bố được Mỹ giúp huấn luyện và trang bị.
Lực lượng chuyên trách này, theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ, lên tới 70.000 người, là chủ công trong giai đoạn giải phóng phần Đông Mosul vừa qua, nhưng không đủ sức bao quát tất cả các hướng chiến trường.
IS bị đuổi khỏi Mosul chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng sớm hay muộn không phải là câu hỏi dễ trả lời.
Tỉnh Ninawa và thủ phủ Mosul vốn là vùng đất truyền thống của người Sunni. Các lãnh tụ Sunni, được thế giới Ả Rập hậu thuẫn về chính trị, không chấp nhận để Shiite và người Kurd đánh chiếm Mosul, bởi thực tế đã diễn ra là IS bị đẩy đến đâu thì Sunni kêu “bị mất đất vào tay Shiite và người Kurd” đến đó! |
Theo TTO