Bi hài văn hóa chung cư

Thứ ba, 28/02/2017, 11:19
Đậu xe, vứt rác bừa bãi hay gây sự đánh nhau đang trở thành nỗi lo của nhiều người khi bước vào cuộc sống chung cư.

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, số lượng chung cư mọc lên ngày một nhiều. Sống trong môi trường tập thể, bên cạnh những cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh những nội quy của chung cư, cũng không thiếu những người vô ý thức, gây bức xúc cho cộng đồng..

Từ chuyện đậu xe, đổ rác…

Về sống tại chung cư Ehome3 (quận Bình Tân) chưa lâu, nhưng chị L.M.P đã không biết bao nhiêu lần bức xúc bởi cách hành xử của những người sống trong cùng tòa nhà.

“Hôm trước, mình vừa vào thang máy thì thấy một túi nilon rất to được buộc chặt bỏ vào một góc. Cứ nghĩ ai đó để quên đồ nên mình mở ra để xem có địa chỉ thì trả lại cho chủ nhân. Ai ngờ, mở ra thì mới biết đó là túi rác, giòi bọ bò lổm ngổm nhìn thấy mà muốn ói. Không hiểu chủ nhân của nó nghĩ như thế nào mà không cầm được bịch rác để đem đi bỏ như vậy”, chị P nhớ lại.

Theo quy định của chung cư, những hộ nào nuôi chó mèo thì phải đăng ký với ban quản lý chung cư và phải có biện pháp để những con vật này không “làm bậy” nơi công cộng.

Thế nhưng, chị P cho biết, thỉnh thoảng ra công viên, phân chó, phân mèo vẫn xuất hiện, nhìn cảm giác ghê ghê rất mất vệ sinh.

Tương tự, anh N.M.C, cư dân Citihome (quận 2) cũng khá bức xúc với ý thức chung của một số cư dân tại đây.

Xe máy được dựng tràn lan, không theo hàng lối dù không thiếu chỗ

“Nhà để xe không thiếu chỗ, nhưng có nhiều người vô ý thức, họ cứ ngang nhiên đậu xe ngay giữa đường, chẳng theo hàng lối gì, có trường hợp còn khóa luôn cả cổ khiến những người vô sau không có lối đi. Cư dân có một group chung trên facebook, phản ánh nhiều lần lắm, có cả chụp ảnh xe để xác định chủ nhân, nhưng mọi chuyện vẫn cứ đâu vào đấy”, anh C chia sẻ.

Anh N.T.H, cư dân HQC Plaza (Bình Chánh) cho biết, “hôm trước, đang đi dạo thì bất ngờ có một bịch rác rớt xuống cách chỗ hai bố con vài bước. Không hiểu ý thức của họ như thế nào, nếu lỡ bịch rác đó rớt trúng hai bố con thì không biết sẽ có chuyện gì xảy ra”.

Đến chuyện đe dọa láng giềng

Chia sẻ câu chuyện của mình trên facebook chung của nhóm, chị P.L, chủ căn hộ ở lầu 23 chung cư Lexington Residence (quận 2) vẫn chưa hết bàng hoàng.

Chị cho biết, hai vợ chồng mới hoàn thành xong căn hộ để chuẩn bị chuyển vào ở.

Cách đây hơn 2 tuần, khoảng 22h30, sau khi dọn dẹp nhà cửa xong thì hai vợ chồng chị mang rác đem đi đổ.

Đường đi công cộng biến thành nơi phơi đồ

“Lúc chồng em đi ngang qua nhà 23.5 thì bất thình lình có 1 lão Tây nhà ngay cạnh, to cao, đô con, cạo đầu trọc, mở cửa tay cầm 1 con dao găm chỉa thẳng vào mặt chồng em và chửi F...! F...! Chồng em bị bất ngờ nhưng may là lúc đó vẫn bình tĩnh hỏi lại What's wrong ?. Ông đó nói linh tinh gì đấy rồi bỏ vào nhà”, chị P.L chia sẻ.

Sau khi sự việc xảy ra, hai vợ chồng chị đã gọi cho bảo vệ chung cư lên lập biên bản làm bằng chứng để xử lý.

Thế nhưng, trái ngược với suy nghĩ của chị, khi bảo vệ chung cư vừa đến, người đàn ông nói trên vẫn hết sức hung hăng, vỗ ngực, đấm hai tay vào nhau, khua tay múa chân ... và cứ nhắc lại liên tục “mày muốn đánh nhau không, tao muốn nói chuyện với mày”.

“Sau chuyện đó, bọn em rất hoang mang, thậm chí đã nghĩ tới phương án bán nhà để chuyển đi chỗ khác bởi làm sao sống được với một người hàng xóm như vậy. Nhưng đây là căn hộ đầu tiên của mình, bỏ biết bao công sức lên thiết kế sửa sang, chọn từng món đồ để chuẩn bị vào ở, bán đi quả thật không cam lòng”, chị P.L chia sẻ.

Ý thức quyết định tất cả

Th.S Nguyễn Duy Hải, Phó trưởng khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, trường ĐH Văn Hiến cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu ý thức của người dân sinh sống tại chung cư hiện nay .

Theo Th.S Nguyễn Duy Hải, chung cư là nơi tập hợp dân cư đông đúc, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau và ở nhiều nơi chuyển về sinh sống.

Chính vì sự đa dạng này, dẫn đến kết nối cộng đồng lỏng lẽo, sự đoàn kết không chặt chẽ. Do đó, tình trạng mạnh ai nấy sống, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà không nghĩ đến người khác xảy ra phổ biến. Các hiện tượng xả rác bừa bãi, hát Karaoke ồn ào, để xe cản trở người khác, tiểu tiện nơi công cộng dễ dàng nhận thấy.

Nhiều người vô tư vứt rác từ tầng cao xuống dưới mà không quan tâm đến người bên dưới

“Ý thức của người dân chính là nguyên nhân cốt lõi của mọi vấn đề. Sự thiếu ý thức trong sinh hoạt chung, ảnh hưởng đến cộng đồng dễ bắt gặp hơn ở những chung cư xã hội, chung cư tái định cư hoặc chung cư cũ. Ở đây, những công dân lao động, có trình độ học vấn thấp chiếm tỷ lệ nhiều. Chính vì vậy, những bộ phận đông đảo này chỉ quan tâm đến nhà của mình. Họ chú tâm vào việc tìm kiếm “cơm, áo, gạo, tiền” nên hành xử sao cho đảm bảo quyền lợi của mình mà không tự giác chấp hành các quy tắc chung”, Th.S Hải đánh giá.

Cũng theo Th.S Hải, một nguyên nhân nữa chính là khía cạnh tâm lý xã hội, khi dân cư được xem là nơi tập trung những “đám đông”.

Trong “đám đông” này nếu không có một thủ lĩnh lãnh đạo sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn “mạnh ai nấy làm”. Điều này cũng dẫn tới một tác động ngược là “quy tắc bó buộc” khó được tuân thủ trong khi điều “xấu” lại được học tập bắt trước nhanh chóng. Thấy người khác làm ồn, mình cũng làm ồn; thấy người khác xả rác bừa bãi, mình cũng xả rác bừa bãi. Miễn sao không ảnh hưởng đến nhà mình là được.

Để khắc phục vấn đề này, theo Th.S Nguyễn Duy Hải, không có gì khác hơn là phải nâng cao ý thức người dân thông qua các hoạt động tuyên truyền vận động người dân sống có ý thức, lối sống lành mạnh, tuân thủ các quy định của chung cư.

Bên cạnh đó là phải có chế tài đủ mạnh. Như các hình thức phạt tiền; lao động công ích nơi chung cư; đăng thông tin những người vi phạm quy định nơi công cộng để người dân biết, từ đó những người có ý định vi phạm cảm thấy xấu hổ trước cộng đồng mà không dám vi phạm.

Lực lượng thực thi các chế tài (như ban quản lý; tổ trưởng dân phố; tổ trưởng các tầng…) cũng phải có thực quyền và được chính quyền sở tại bảo vệ và đảm bảo quyền lợi trong việc thực thi công vụ. Những lực lượng này phải công tâm, có năng lực ứng xử và thuyết phục cộng đồng. Đồng thời phải xử phạt kiên quyết những trường hợp cố tình vi phạm.

Ngoài ra, cũng cần đảm bảo các dịch vụ tiện ích như thùng rác, dịch vụ thu dọn rác, nhà vệ sinh công cộng… để người dân có nơi có cơ hội tuân thủ các quy định của chung cư.

“Thậm chí, có thể gắn camera tại các điểm công cộng để thu thập thông tin người vi phạm. Các camera này cũng giống như “người canh gác”, vì người dân khi thấy camera ghi hình thì cũng không dám vi phạm quy định”, Th.S Hải hiến kế.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích