Ngày 3/3, UBND tỉnh Bạc Liêu chính thức công bố lệnh khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp kè Gành Hào ở huyện Đông Hải và Nhà Mát của TP.Bạc Liêu.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chỉ đạo chính quyền hai địa phương kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin - Truyền thông, Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ đội biên phòng cùng Công an tỉnh Bạc Liêu... phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách.
Sóng đánh gây sạt lở kè Gành Hào ở huyện Đông Hải, Bạc Liêu. Ảnh: Trần Thanh. |
Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát tiển thông thôn phải chủ trì việc xác định vành đai sạt lở, cắm mốc và biển báo khu vực, vị trí sạt lở; đánh giá, đề xuất phạm vi cần sơ tán dân cư, di dời tài sản của người dân; huy động các nguồn lực xử lý, không để sạt lở nghiêm trọng đến mức phải vỡ đê...
Sở Thông tin - Truyền thông được UBND tỉnh Bạc Liêu được phân công thông tin cảnh báo về sự cố kịp thời để người dân chủ động phòng tránh thiên tai. Đối với lực lượng vũ trang phải tăng cường trạng thái sẵn sàng, kịp thời hỗ trợ địa phương khi có tình huống khẩn cấp. Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị quản lý đường thủy phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn giao thông thủy, hạn chế phương tiện đi qua các khu vực sạt lở.
Tại cuộc họp với đại diện Viện Khoa học thủy lợi miền Nam vào một ngày trước, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết kè Nhà Mát và Gành Hào bị sạt lở từ trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Phạm vi, mức độ hư hại của hai kè này đang ngày càng nghiêm trọng và khả năng vỡ kè Gành Hào đang ở mức báo động.
"Đời sống của hơn 8.000 hộ dân ở thị trấn Gành Hào đang bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở, triều cường", ông Trung nói.
Quyết định công bố lệnh khẩn cấp về thiên tai do sạt lở. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, kè đê biển Gành Hào sạt lở dài gần 90m, rộng 10m, sâu 2,5 m (tổng diện tích sạt lở 870m2); kè Nhà Mát vỡ dài 24m và phần còn lại của tuyến kè này đã xuất hiện nhiều vét nứt, sụp lún, nguy cơ sạt lở cao.
Theo Zing