|
Tỉ lệ nữ nhân viên bị quấy rối trong ngành công nghệ đang rất cao. |
Susan J. Fowler, nữ kỹ sư làm việc cho Uber từ tháng 11/2015 tới tháng 1/2017, nói rằng cô từng báo cáo rất nhiều lần sự vụ cho quản lý nhân sự Uber nhưng liên tục bị phớt lờ, thậm chí đôi lần còn bị mắng té tát vì… dám nói ra vấn đề nhạy cảm này.
Trường hợp của Fowler không hiếm gặp. Khi câu chuyện được đưa ra, ngay lập tức nó nhận được đồng cảm và chia sẻ của nhiều nữ giới làm việc ở Silicon Valley. Hầu hết đều lên án cách thức đối xử của Uber với nữ nhân viên.
Chuyện thường ngày ở Silicon Valley
Theo khảo sát “Elephant in the Valley” năm 2016, khoảng 60% phụ nữ làm trong ngành công nghệ phải gánh chịu những thiệt thòi không mong muốn liên quan tới giới tính.
Theo đó, 60% trong số những người báo cáo sự việc cho ban quản lý cảm thấy không hài lòng với cách giải quyết của lãnh đạo; 39% giữ im lặng vì lo ngại ảnh hưởng tới công việc; và 30% khác muốn quên đi sự việc đáng xấu hổ.
|
CEO của Uber, Travis Kalanick, tuyên bố sớm dẹp các "tệ nạn" tại Uber. |
Một người giấu tên nói với bên khảo sát rằng cô thường xuyên bị sếp quấy rối tại sự kiện công ty. Sau khi biết các đồng nghiệp khác cũng gặp trường hợp tự, cô này đã báo cáo lên bộ phận quản lý nhân sự nhưng thay vì được giải quyết thì cô lại bị ép thôi việc.
Thực tế, có những sự việc nghiêm trọng hơn trường hợp của Fowler. Nhiều nữ nhân viên từng cáo buộc Jacob Appelbaum, phụ trách phát triển dự án Tor, thường xuyên quấy rối các chị em.
Kelly Ellis, cựu nữ kỹ sư Google, từng viết trên Twitter năm 2015 rằng người quản lý nói anh ta “phải kìm chế lắm mới không vỗ mông cô” trong một sự kiện du lịch của công ty tới Maui.
Trong khi đó, Julie Ann Horvath, từng là nhà phát triển đầu tiên của Github, cũng xin thôi việc vì không chịu được môi trường làm việc “độc hại” tại đây. Nữ chuyên gia này cho biết nhân viên nam thường có ánh mắt xoi mói dung tục các nữ nhân viên trong công ty.
Phận nữ nhi thiệt thòi
Đôi khi, phân biệt giới tính không chỉ là chuyện quấy rối. Fowler nói rằng Uber có tình trạng phân biệt đối xử với nữ nhân viên. Chẳng hạn, công ty chỉ đặt áo khoác da cho nhân viên nam, chứ nữ không có phần.
Thực tế, bộ phận của Fowler chỉ có 6 nữ nhưng lại có tới hơn 120 nam. Uber nói rằng việc đặt may vỏn vẹn có 6 chiếc áo khoác nữ không phải lựa chọn hợp lý.
|
Nữ kỹ sư làm trong ngành công nghệ luôn là của hiếm. |
Một trường hợp khác ở công ty công nghệ có tiếng, nam nhân viên thường vào toiltet của nữ để “giải quyết nỗi buồn”. Công ty này có 82 kỹ sư phần mềm nhưng có tới 75 nam và chỉ có 7 nữ nên vào những giờ cao điểm, toilet được dùng chung.
Thực tế này khiến các nữ nhân viên không ít lần xấu hổ và cảm thấy bị quấy rồi thực sự. Nhiều khi, họ buộc phải sử dụng toilet công cộng bên ngoài thay vì trong công ty.
Trở lại vụ việc của Fowler, đích thân CEO Uber, Travis Kalanick, tuyên bố sẽ mở cuộc “điều tra khẩn cấp”. Công ty đã cho gọi cựu luật sư Eric Holder và thành viên hội đồng quản trị Arianna Huffington về trợ giúp cuộc điều tra.
Kalanick nói cần rằng Uber sẽ công khai kết quả điều tra và cần 48 tiếng để “làm trong sạch Uber”. Ngoài ra, cũng theo Kalanick, tỉ lệ nữ làm công việc kỹ thuật, quản lý sản phẩm và nghiên cứu tại Uber đang là 15,1%. Trong khi con số tại Facebook là 17%, Google – 18% và Twitter -10%.
Tuy nhiên, con số này chẳng nói lên bản chất vấn đề - đó là tình trạng quấy rối và phân biệt giới tính tại Uber đang xấu đi. Fowler được cho là đã báo cáo vụ việc cho bộ phận quản lý nhân sự, thậm chí là giám đốc công nghệ nhưng chẳng ai thèm quan tâm.
Có vẻ như Uber chỉ thực sự tìm cách giải quyết khi vấn đề được công khai ra ngoài. Thực ra, chuyển biến đó cần được thực hiện một cách hệ thống, từ trên xuống dưới, nếu không mọi việc lại “đâu đóng đấy”.
Kalanick và các lãnh đạo còn lại của Uber được cho là cần lên án mạnh mẽ nạn quấy rối và phân biệt giới tính, và tất cả các công ty công nghệ tại Silicon Valley cũng cần có hành động tương tự.
Theo Zing