Cuộc chiến 2/1979: Trung Quốc không thể che giấu sự phi nghĩa...

Thứ sáu, 03/03/2017, 11:56
Trung Quốc đã cố sức xuyên tạc nhưng sự thật về cuộc chiến tranh xâm lược 2/1979 được chính người Trung Quốc dần dần bóc mẽ...

Trung Quốc: Ngoài mặt hô chiến thắng, trong nội bộ thất vọng

Gần 40 năm qua, mỗi năm Trung Quốc đều có từ 600-800 bài báo viết về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979.

Mặc dù đông đảo các chính khách và học giả các nước đều nhận định, cuộc chiến năm 1979 là “Chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam” “Trung Quốc đã thất bại thảm hại”, nhưng từ lịch sử cho đến văn học Trung Quốc đều viết theo một nội dung được định hướng sẵn là “Trung Quốc chỉ tự vệ trước Việt Nam và Trung Quốc là người chiến thắng”, khiến một bộ phận lớp trẻ Trung Quốc nhiểu sai lệch về bản chất của cuộc chiến.

Tuy nhiên, theo thời gian, sự thật đã được làm sáng tỏ. Lịch sử là một dòng chảy khách quan, không thể dễ dàng như xé bỏ một trang này hay viết lại một trang kia.

Những tài liệu nội bộ của Trung Quốc được giới học giả và chính các cựu quan chức Trung Quốc công bố trong thời gian gần đây đã phơi bày sự thật về cái gọi là “sự chính nghĩa” và “chiến thắng vẻ vang của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”.

Theo bản dịch bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình trong hội nghị quân chính nội bộ ngày 16-3-1979 (sau khi rút quân về nước 1 tháng), do ông Dương Danh Dy (nguyên là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu từ 1993 đến 1996) dịch vào năm 2011, khi đó, Đặng Tiểu Bình đã bày tỏ thái độ rất không hài lòng về kết quả yếu kém của cuộc chiến tranh xâm lược.

Đặng Tiểu Bình chỉ trích gay gắt các quan chức chính quyền và các lãnh đạo quân đội: "Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là 5 đánh 1, 6 đánh 1. Chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí 6 đánh 1, 7 đánh 1…" nhưng "…thương vong của chúng ta gấp 4 lần so Việt Nam. Thần thoại của chúng ta đã bị hủy diệt” (ý nói về uy thế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc).

Giáo sư Đại học Harvard Ezra Feivel Vogel viết trong cuốn “Thời đại Đặng Tiểu Bình” do Nhà xuất bản Đại học Trung Văn Hồng Kông rằng, Đặng bị nhiều Ủy viên quân ủy trung ương phản đối, bao gồm cả nhà lãnh đạo Hoa Quốc Phong, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh và Đại tướng Túc Dụ, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội.

Nội bộ Trung Quốc thừa nhận thất bại thảm hại năm 1979

Trong bài “Có phải hành động ‘trừng phạt’ của Trung Quốc thất bại hay không?”, được xuất bản tháng 4/2013, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng xác nhận thái độ bất đồng của Hoa Quốc Phong, lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, với mưu đồ của Đặng Tiểu Bình.

Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (lúc đó là Chủ tịch nước - Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tức nhân vật số 2 của Trung Quốc) vốn đã bất bình nói rằng: “Diễu võ dương oai đánh Việt Nam thì được gì? Không khác gì Gia Cát Lượng Bắc phạt Tư Mã Ý, đánh vào nơi nào và làm sao đánh thắng được?”.

Ông Diệp còn cho rằng, Trung Quốc không thể đánh thắng một đội quân cơ động ngay trong nhà của họ và chỉ trích “Mỹ muốn báo thù Việt Nam bằng máu Trung Quốc. Không được dùng máu của người Trung Quốc để phục hận cho người Mỹ…”

Ông Trương Thắng, Cục trưởng Cục Tác chiến (con trai nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Trương Ái Bình) đã thừa nhận trong hai cuốn sách “Đi ra từ chiến tranh” và “Đặc công cuối cùng náu mình ở Đại lục” rằng, ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng khi đó cũng không rõ vì sao Trung Quốc phải tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Còn Thượng tướng Trần Tích Liên, nguyên Tư lệnh Lực lượng pháo binh, nguyên Tư lệnh Đại Quân Khu Thẩm Dương, nguyên Tư lệnh Đại Quân khu Bắc Kinh, nguyên Phó Thủ tướng Trung Quốc đã chỉ trích kịch liệt cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979.

Viên tướng là một trong số lãnh đạo cao cấp nhất của quân đội Trung Quốc cũng phải thừa nhận cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979 đã thất bại thảm hại, khi viết cuốn sách “Trong nội bộ Đảng cần để mọi người phát biểu, nói lên sự thực” xuất bản tháng 1/1988.

Ông này tuyên bố, nên tránh thái quá, thực sự trung thực trong tuyên truyền, phải thực sự cầu thị khi tổng kết các chiến lệ trong chiến tranh, tránh tâng bốc, không được sợ lãnh đạo mà không dám nói và cũng không nên nể người đã mất (Hứa Thế Hữu chết năm 1985) mà bỏ qua không nói.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích