|
Bức huyết thư của ông Nguyễn Chiều |
Ông Nguyễn Chiều, giảng viên khảo cổ học, Khoa Lịch sử ĐH KHXH-NV Hà Nội vẫn nhớ không khí của những ngày tháng 2.1979. Khi ấy ông vừa giải ngũ về và theo học năm thứ 3 ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. “Tôi vào học năm 1971. Tới năm 1972 thì nhập ngũ chống Mỹ. Sau đó, tháng 9.1976 lại về trường học tiếp, tới 1979 thì đang học năm thứ 3. Lúc đó chiến tranh nổ ra và cụ Tôn Đức Thắng (Chủ tịch nước khi ấy) có lệnh động viên cục bộ. Người ta hô hào các phong trào, mít tinh rồi cổ động cho cuộc chiến tranh biên giới”, ông nhớ lại.
Trường đại học Tổng hợp Hà Nội khi ấy đã dành ngay cả khoảng sân rộng để phát động chống xâm lược Trung Quốc. “Tất cả các khoa tập hợp lại. Khoa Văn, Toán Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Luật, Triết, Kinh tế. Tất cả các khoa, tất cả các khóa. Học sinh ít lắm. Mỗi khoa chỉ có dăm bảy chục sinh viên thôi. Người nói lời kêu gọi lúc đó là thầy Quý, Bí thư Đảng ủy, nếu mình nhớ không nhầm”, ông Chiều nói.
Nội dung lời kêu gọi nói sơ bộ về tình hìnhchiến tranh biên giới. “Lúc bây giờ nhờ loa ký túc xá, sinh viên cập nhật thường xuyên. Loa phát thanh nghe rõ lắm. Tin ngày hôm nay có một thiếu niên mười mấy tuổi tiêu diệt bao nhiêu tên địch. Nên mọi người rất nắm chắc tình hình bấy giờ”, ông Chiều chia sẻ. Lúc đó là khoảng cuối tháng 2.
"Chúng mình đang giờ học thì ra nghe phát động. Mình quay lại lớp lấy giấy viết đơn xin tái ngũ luôn. “Lúc đó còn trẻ, cái răng rất sắc, cắn cái đầu ngón tay một tí thôi. Thế là nó ra máu thì mình viết trực tiếp bằng tay. Mình viết ngay chỗ hành lang. Rất nhanh”, ông kể lại.
Thầy chủ nhiệm khoa lúc bấy giờ là ông Lê Mậu Hãn đã nhận lá đơn này. “Đấy là lá đơn thể hiện quyết tâm. Bây giờ đơn vẫn được trường giữ”, GS Lê Mậu Hãn cho biết. Lá đơn này từng được chuyển cho Bảo tàng Cách mạng rồi lại chuyển về phòng truyền thống của trường.
Có điều, lá đơn của ông Chiều không được chấp nhận. “Trong thời gian rất ngắn như thế Trung Quốc tuyên bố rút quân và mọi người thở phào nhẹ nhõm. Chiến tranh không cần đến mình nữa. Chúng mình xác định chiến tranh mới cần chúng mình. Còn nếu kết thúc thì việc chúng mình học là quan trọng hơn”, ông Chiều nói.
Tuy nhiên, theo ông Chiều, trong suốt thời gian đó, việc quân sự hóa học đường cũng được thực hiện. Sáng sớm, các sinh viên dậy từ 5 giờ theo tiếng kẻng. Kẻng làm bằng vành xe, treo trên cây nhãn. Họ cũng tập đội ngũ nghiêm chỉnh sau khi gấp chăn màn gọn gàng. Sau đó, họ ăn sáng mỗi người nửa chiếc bánh mì. Thời sự phát trên loa khá to và mọi người có thể nghe dễ dàng. Thông thường tin tức buổi tối sẽ nhiều hơn ban ngày.
Sau đó, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Tuy nhiên, xã hội khi đó, theo ông Chiều, khá căng vì nạn đói. “Cho nên năm 80 cụ Nguyễn Tài Cẩn mình chỉ nghe giai thoại thôi khi lên lớp ra vế đối cho sinh viên là "Năm tám mươi, gạo cũng tám mươi". Nghĩa là tám đồng/kg chứ trước đó rẻ lắm. Lúc đó gạo đắt, lương thực thực phẩm rất thiếu. Cái giá đắt ghê gớm lắm. Gạo nhà nước thì xếp hàng cả ngày, mà chỉ được gạo xấu. Sau đó cụ Cẩn mới đọc luôn Dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ. Tức là dân đói lắm”, ông Chiều nhớ lại.
Ông cũng cho biết, thời gian đó, ông hầu như không có tin tức gì về mặt trận Vị Xuyên, nơi là mặt trận ác liệt nhất trong suốt 10 năm chiến tranh biên giới.
Theo Thanh Niên