Trao đổi với báo chí sáng 17/2, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho cho biết Bộ chưa nhận được văn bản chính thức của TP.HCM về đề xuất sáp nhập quận. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là ủng hộ TP.HCM cũng như các tỉnh, thành phố khác về vấn đề này, căn cứ trên tình hình cụ thể của địa phương và các văn bản pháp luật.
“Việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính sẽ góp phần giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho hay.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cung cấp thông tin báo chí sáng 17/2. Ảnh: Thắng Quang. |
Ông Thành cho rằng việc sáp nhập là phù hợp với luật, quy định có liên quan, đặc biệt thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39 ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trước đó, ngày 23/12/2016, tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng với quận Bình Tân, ông Đỗ Văn Đạo, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM nêu đề xuất sáp nhập một số đơn vị hành chính như phường và quận. Ông Đạo nêu ví dụ có thể sáp nhập quận 4 vào một quận khác vì quận này chỉ có diện tích 4 km2, dân số hơn 200.000 người.
Ông Đạo phân tích nếu so sánh về diện tích quận 4 còn nhỏ hơn cả phường Bình Hưng Hoà A (quận Bình Tân). Tuy nhiên, quận 4 vẫn duy trì một bộ máy đầy đủ từ quận xuống 15 phường.
Trước đề xuất này, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng TP.HCM sẽ không máy móc tách nhập mà sẽ đánh giá lại toàn bộ năng lực quản lý nhà nước để có thể đưa ra giải pháp hiệu quả.
Một tuần sau, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định đề xuất sáp nhập một số phường, quận chỉ là ý kiến cá nhân của ông Đỗ Văn Đạo. “Trong cuộc làm việc của Bí thư Thành uỷ tại quận Bình Tân, khi được hỏi ý kiến thì với tâm huyết của mình, đồng chí phó giám đốc có nêu như vậy”, ông Hoan nói.
Ông Hoan cũng bày tỏ TP.HCM luôn tiên phong trong vấn đề tổ chức bộ máy, luôn muốn tìm kiếm một mô hình tổ chức hiệu quả nhất, phục vụ người dân tốt nhất. Tuy nhiên, có những chủ trương khi triển khai phải cân nhắc vì ảnh hưởng toàn diện đến bộ máy tổ chức của thành phố. Việc sáp nhập hay tách ra cần nghiên cứu toàn diện và căn cứ cơ sở pháp lý cụ thể, chứ không để tình trạng thích thì tách không thích thì nhập.
Quận 4 (TP.HCM) có diện tích 4 km2, dân số 200.000 người được đề xuất sáp nhập vào quận khác. Ảnh: Google Maps. |
Theo Zing