|
Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa có thông báo, cơ quan này hiện đang khẩn trương tiến hành điều tra mở rộng vụ án hình sự cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo đó, ngày 15/2/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố 5 bị can, về tội tham ô tài sản, Điều 278 Bộ Luật hình sự.
5 bị can bao gồm: ông Lương Văn Hoà, nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, PVC; ông Lê Xuân Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch; ông Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch;
Ông Nguyễn Thành Quỳnh, Giám đốc Giám đốc Ban kỹ thuật Công nghệ, Tổng công ty miền Trung; bà Lê Thị Anh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa. Bà Hoa hiện đã bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo nguồn tin của PV, chiều ngày 16/2, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí cũng đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ quản lý của ông Lương Văn Hoà tại dự án của Tổng công ty này tại Thái Bình. PVC cho rằng, ông Hoà liên quan đến trách nhiệm quản lý tại dự án của PVC tại Vũng Áng. Ông Hoà nguyên là Giám đốc Ban quản lý dự án nhiệt điện Vũng Áng.
Liên quan tới những sai phạm tại PVC, trước đó, vào giữa tháng 9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.
Theo đó, ông Vũ Đức Thuận - nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC; ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; ông Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc và ông Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC đã bị khởi tố bị can. Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tổng giám đốc và Chủ tịch PVC được xác định phải chịu trách nhiệm chính song đã bỏ trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016, PVC lỗ 107,75 tỷ đồng trong quý 4 trong khi cùng kỳ năm 2015 công ty lãi 3,61 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 của PVX đạt 157,15 tỷ đồng, vẫn tăng hơn 134 tỷ đồng so với cả năm 2015 (22,6 tỷ đồng).
Theo giải trình của công ty, lợi nhuận sau thuế quý 4 vừa qua giảm chủ yếu là do doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm 2016 tăng so với năm 2015 là do năm 2016 PVC đã quyết liệt xử lý thu hồi công nợ và tái cơ cấu để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh theo đó đã hoàn nhập được một số khoản đã trích lập dự phòng.
Mặc dù có kết quả khả quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2016, tuy nhiên, đến cuối năm 2016, PVC vẫn còn lỗ lũy kế lên tới 2.900 tỷ đồng (cuối năm 2015 còn trên 3.028 tỷ đồng). Có thể thấy hệ lụy do hai năm kinh doanh bê bết từ 2012, 2013 (thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch PVC) để lại đối với PVC rất nặng nề. Trong hai năm này, PVC bị lỗ ròng lần lượt 1.847,3 tỷ đồng và 2.228,3 tỷ đồng. Sau đó, PVC dần vực dậy để có lãi 102,5 tỷ đồng năm 2014 (sau khi điều chỉnh số liệu) và 22,7 tỷ đồng năm 2015.
Theo Dân Trí