|
Ông Kim Jong-nam được cho là đã bị sát hại tại Malaysia ngày 13/2 (Ảnh: AFP) |
Một người bạn giấu tên tại Macao của ông Kim Jong-nam cho biết ông Kim đã sắp xếp gặp ông này và những người bạn khác tại Macao để ăn tối vào tối ngày 14/2. Nhưng thay vào đó, họ lại nhận được tin sốc về cái chết của người bạn mà họ gọi với biệt danh “John”.
Vào khoảng trưa ngày hôm đó, một người bạn chung đã gọi điện cho người đàn ông giấu tên trên, bày tỏ lo ngại rằng John mất liên lạc trong hơn 1 ngày.
“Ông ấy đã hỏi tôi rằng liệu có nhận được tin gì từ John không… Ông ấy không trả lời điện thoại di động, dù trước kia dù là ở nước ngoài ông ấy luôn trả lời. Chúng tôi thấy điều đó rất lạ”, người bạn trên kể lại với Thời báo Hoa Nam Buổi sáng.
Vào tối hôm đó, họ nhận được tin rằng ông John đã thiệt mạng một ngày trước đó tại sân bay Kuala Lumpur khi đang chuẩn bị lên máy bay đi Macao. Phía Malaysia cho biết ông Kim Jong-nam đã bị sát hại hôm 13/2.
Không dùng vệ sĩ khi sống lưu vong
Người bạn giấu tên trên cho hay mặc dù ông Kim Jong-nam ngày càng lo ngại về sự an toàn của mình nhưng ông chưa bao giờ tỏ ra quá thận trọng. “Tôi nghĩ đó đơn giản không phải là tính cách của ông ấy”, người bạn nói, nhấn mạnh rằng ông Kim Jong-nam sống tại Macao và một số quốc gia khác mà không cần vệ sĩ.
Ông Kim Jong-nam nuôi một con trai và một con gái ở Macao. Người con trai, trong độ tuổi 20, con gái và mẹ của họ đều được tin là đang sống ở đây.
Một nguồn tin cho biết, con trai của ông Kim, từng du học ở Paris, rất lo ngại về sự an toàn của mình và rằng anh này đã được bảo vệ. Cảnh sát Macao từ chối xác nhận liệu họ có đang bảo vệ đặc biệt những người thân của ông Kim Jong-nam hay không.
Kim Jong-nam, được tin là khoảng 45 tuổi, là con trai cả của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il và từng được xem là người có khả năng kế nhiệm cha mình. Tuy nhiên, Kim Jong-nam đã bị thất sủng sau khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản vào năm 2001 do cố gắng vào nước này bằng tấm hộ chiếu giả.
Ông Kim Jong-nam sau đó chuyển tới Macao, nơi các nguồn tin cho biết ông sống khép kín tại một “thiên đường cờ bạc” vốn có quan hệ thân thiết với Triều Tiên.
“Ông ấy có cuộc sống thoải mái ở đây. Rõ ràng là ông ấy cảm thấy rằng ông được Trung Quốc bảo vệ”, nguồn tin trên nói. “Macao hợp với tính cách của ông ấy. Ông ấy hưởng thụ cuộc sống và những điều tốt đẹp ở đây. Macao mang lại an toàn và cả sự thoải mái cho ông ấy”.
Thích trò chơi điện tử
|
Các bức ảnh của ông Kim Jong-nam được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội lấy tên Kim Chol |
Cũng theo nguồn tin trên, ông Kim Jong-nam thích rượu Pháp và Bồ Đào Nha. Các nguồn tin trước đó cho biết ông thích tiêu khiển thời gian tại các phòng tắm hơi và các máy đánh bạc.
“Tôi không biết ông ấy có chơi bạc hay không, nhưng tôi biết ông ấy rất thích các trò chơi điện tử. Tôi không chắc là liệu nó có liên quan tới cá cược hay không”, người bạn cho hay.
Một chuyên gia an ninh sòng bạc cho biết một người có lý lịch như ông Kim Jong-nam có thể có tên trong kho dữ liệu về “các nhân vật có ảnh hưởng chính trị” mà các nhà điều hành sòng bạc sử dụng để kiểm tra an ninh đối với các vụ chuyển trên 500.000 pataca (tương đương 62.550 USD). Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, nếu ông ấy đánh bạc, ông ấy có thể đã sử dụng các giấy tờ khác.
Theo một nguồn tin khác tại Macao, những năm gần đây, ông Kim Jong-nam chủ yếu đi lại giữa Macao, Trung Quốc đại lục - nơi ông có những người thân - và Paris, nơi ông thích luyện tiếng và mê ẩm thực.
“Ông ấy rất vui vẻ và hòa đồng”, người bạn trên nói, cho biết thêm rằng ông Kim Jong-nam cũng tham gia một số hoạt động từ thiện để trợ giúp mọi người. “Ông ấy rất nhân văn, đã từng giúp đỡ nhiều người ở đây… Thật buồn khi ông ấy ra đi quá sớm”, người bạn nói.
Có tham vọng chính trị
Theo Thời báo Hoa Nam Buổi sáng, trước khi chuyển tới Macao, ông Kim Jong-nam được tin là đã giữ các vị trí cấp cao trong chính quyền Bình Nhưỡng, làm về tình báo nội địa và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác thực. Lãnh sự quán Triều Tiên tại Hong Kong ngày 15/2 đã từ chối bình luận.
Một người bạn của ông Kim Jong-nam thì nói ông không mấy khi chia sẻ quan điểm về nền chính trị Triều Tiên. Ông cũng không nói nhiều về em trai hay chính quyền, dù thỉnh thoảng có nói đùa.
Nhưng người bạn nói thêm, ông Kim Jong-nam chưa bao giờ giấu giếm có một vài tham vọng chính trị. “Ông ấy không muốn kế nhiệm cha… nhưng tôi nghĩ ông ấy hy vọng một ngày nào đó có thể nằm giữ một vai trò chính trị nào đó ở trong nước”.
“Cảm nhận của tôi là ông thấy thực sự quan tâm tới người dân và chất lượng cuộc sống của họ”, người bạn nói.
Theo Dân Trí