Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ở trong toàn thành được thuận lợi, TP.HCM đã đồng ý phương án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm. Theo đó, hệ thống tàu điện ngầm tại TP.HCM đã được Chính phủ phê duyệt sẽ có 8 tuyến metro kết nối với tất cả các quận huyện thuộc TP.HCM.
Thông tin này khiến người dân Sài Gòn rất hứng khởi và trông chờ sự chuyển mình của thành phố trong tương lai sắp tới. Anh Hoài Tiến (35 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ cảm xúc: "Sống ở Sài Gòn hàng chục năm nay, chỉ mong một ngày không còn cảnh kẹt xe, giao thông thoáng đãng, có thêm nhiều hệ thống giao thông hiện đại cho người dân như ở nước ngoài. Hôm nay nhìn thấy bản đồ các tuyến metro trải dài thành phố như thế, thật sự tôi rất trông chờ".
Sơ đồ các tuyến theo quy hoạch (chỉ có tuyến số 1 đang thi công). Nguồn: wikipedia |
Cũng như anh Tiến, nhiều người dân đang sinh sống và làm việc ở Sài Gòn từng ngày mong chờ để được trải nghiệm "giấc mơ" tàu điện ngầm từ bấy lâu nay. "Mình từng mơ đến cảnh thức dậy vào buổi sáng, đi bộ ra trạm tàu điện ngầm, leo lên tàu và đi đến bất cứ nơi nào mình muốn đến trong thành phố. Nhưng mình cũng lo lắng tình trạng quá tải, chen chúc trong tàu điện ngầm như cảnh tượng vào giờ cao điểm ở Nhật", bạn Hồng Loan (SV ĐH RMIT) chia sẻ.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đưa ra thông tin cụ thể gồm: Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên (dự kiến kéo dài đến Bình Dương), kéo dài gần 20km. Tuyến số 2: Thủ Thiêm - Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, kéo dài 48km.
Tuyến 3A: Bến Thành - Tân Kiên, kéo dài 19,8km; Tuyến 3B: Ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước, kéo dài 12,2km.
Tuyến số 4A: Thạnh Xuân (quận 12) - Khu đô thị Hiệp Phước, kéo dài khoảng 35,75 km ; Tuyến 4B: Ga Công viên Gia Định - Ga Lăng Cha Cả, kéo dài khoảng 3,2km.
Tuyến số 5: Cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc, kéo dài 23,39km. Tuyến số 6: Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm, kéo dài 6,8km.
Ngoài ra, còn có 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (tramway hoặc monorail) gồm: Tuyến xe điện mặt đất số 1: Ba Son - Tôn Đức Thắng - Công trường Mê Linh - Võ Văn Kiệt - Lý Chiêu Hoàng - Bến xe Miền Tây hiện hữu, chiều dài khoảng 12,8 km. Định hướng kéo dài từ Ba Son đến khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh).
Tuyến metro tạo đường cong uốn lượn qua tòa nhà cao tầng ở quận 2. |
Tuyến Monorail số 2: Quốc lộ 50 (quận 8 - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy (quận 2) - Khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh); Định hướng kết nối tuyến đường sắt đô thị số 3a, chiều dài khoảng 27,2km.
Tuyến Monorail số 3: Ngã tư (Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh) - Phan Văn Trị - Quang Trung - Công viên phần mềm Quang Trung - Tô Ký - ga Tân Chánh Hiệp, chiều dài khoảng 16,5km.
- Xây dựng 03 Depot cho các tuyến xe điện mặt đất hoặc Monorail như sau: Bến xe Miền Tây, diện tích khoảng 2,1ha (tuyến xe điện mặt đất số 1); đường Nguyễn Văn Linh, diện tích khoảng 5,9ha (tuyến Monorail số 2); đường Tân Chánh Hiệp, diện tích khoảng 5,90ha (tuyến Monorail số 3). Tổng diện tích các Depot khoảng 13,9ha.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cuối tháng 8/2012 dự án tuyến số Metro số 1 đã bắt đầu triển khai đến nay. Bên cạnh đó hiện tuyến Metro số 2 và Metro số 5 cũng đang trong quá trình triển khai.
Theo Tri Thức Trẻ