Cát lậu Huế tuồn về Đà Nẵng

Thứ năm, 16/02/2017, 10:08
Vì sao tỉnh Thừa Thiên - Huế không cấp phép cho việc khai thác cát trắng để vận chuyển ra khỏi địa phương, nhưng mỗi ngày hàng ngàn tấn cát trắng vẫn chảy ra khỏi tỉnh này?

Xe chở cát từ Huế nhập vào nhà máy Transcend Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng)

Sáng sớm, từng đoàn xe ben loại 30 tấn mang biển số 75 của tỉnh Thừa Thiên - Huế chở đầy cát trắng nối đuôi nhau vào nhập hàng tại Công ty TNHH khoáng sản Transcend Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng).

Từ đây, cát được Transcend Việt Nam tuyển rửa để xuất khẩu.

Rầm rộ khai thác, 
vận chuyển

4h sáng 14-2, sau khi qua hầm Hải Vân thuộc địa phận Đà Nẵng, đoàn xe 10 chiếc chở cát biển số 75 phủ kín bạt ì ạch “bò” về đường Tạ Quang Bửu rồi nhập vào quốc lộ 1.

Từ đây, cả đoàn di chuyển theo đường số 5 để vào Khu công nghiệp Hòa Khánh, trước khi kết thúc hành trình tại cổng Công ty TNHH khoáng sản Transcend Việt Nam trên đường số 3 (Khu công nghiệp Hòa Khánh).

Biết chúng tôi cần một lượng cát trắng lớn để xuất khẩu, ông Bi (trú An Lỗ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - một người mà cánh tài xế cho là ông “trùm” vận chuyển cát sạn - mời chúng tôi đi “kiểm tra” chất lượng cát trắng tại một mỏ cát ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền).

Việc khai thác cát ở mỏ cát xã Phong Hiền diễn ra giữa ban ngày, có xe ben loại nhỏ dưới 9 tấn chuyển cát, xe múc để đào, xúc. Trong gần ba giờ có hơn chục lượt xe ben vào đây “ăn hàng”.

Sau khi rời khỏi mỏ cát, các xe ben đến địa phận thị xã Hương Trà, rẽ vào đường Kim Trà (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) rồi đổ cát xuống một bãi rộng hàng ngàn mét vuông ngay bên tỉnh lộ 16. Đây là bãi tập kết cát khổng lồ được bảo vệ 24/24 giờ cùng hệ thống tường, cổng sắt bao quanh, bên trong có nhiều máy múc hoạt động.

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy các xe từ mỏ cát Phong Hiền đến đây không theo lộ trình thống nhất, mà tùy tình hình đường sá “an toàn” hay không. Sau khi cát về bãi, hằng đêm sẽ được múc đưa lên các xe ben loại lớn tiếp tục vận chuyển vào Đà Nẵng trước 5h sáng mỗi ngày.

Theo người dân ở Tứ Hạ, việc vận chuyển cát diễn ra cả đêm lẫn ngày.

Cát lậu nhưng làm ăn công khai

Để làm rõ bãi tập kết cát trên tỉnh lộ 16 hiện do ai quản lý, PV  đã làm việc với UBND phường Tứ Hạ. Tuy nhiên, cán bộ văn phòng của UBND phường này từ chối vì “lãnh đạo phường bận họp”.

Trong khi đó, ông Trần Hưng Long - trưởng Phòng tài nguyên - môi trường thị xã Hương Trà - xác nhận: “Trên địa bàn không có quy hoạch để mở bãi tập kết cát trắng”. Sau đó, PV nhận được một cuộc gọi từ một người tên Lê Minh Hải - tự xưng là chủ bãi cát trắng trên tỉnh lộ 16 và mỏ cát ở xã Phong Hiền.

Ông Hải thừa nhận việc múc cát ở xã Phong Hiền là “múc chui”. Kể cả bãi tập kết cát trắng ở phường Tứ Hạ cũng do ông Hải thuê lại để chứa cát trắng với mục đích “bán cho ai có nhu cầu xây nhà, đổ móng, lấp đường. Thỉnh thoảng có bán vài chục tấn cát để chở đi Đà Nẵng”.

Ông Hải cũng thừa nhận: mỏ cát ở Phong Hiền hiện đang khai thác là của ông và mỏ cát này không có giấy phép. “Xã, huyện có chủ trương cho phép rồi và đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ. Tôi xin làm trước rứa thôi” - ông Hải nói.

Trong khi đó tại mỏ cát ở Phong Hiền, ông Bi nói: “Đây là cát trắng tụi tui cung cấp trực tiếp cho Công ty Transcend tại Đà Nẵng, bình quân một ngày 1.000 tấn”. Ông Bi cũng thừa nhận đây là mỏ cát khai thác lậu: “Khắp Thừa Thiên - Huế này không có chỗ nào cấp giấy phép cho cát trắng đi hết”.

Ông Bi nói rằng ở Huế không có mỏ cát nào được phép mang cát ra khỏi tỉnh cả. “Tụi tui cũng toàn chở cát lậu hết, theo hình thức vừa kết hợp cát có giấy phép vừa chở cát lậu lẫn lộn vào đó. Vậy nên không thể đi công khai, mà lén lút đi ban đêm, mỗi lần đi 5-6 xe.

Nhà máy Transcend này “nuốt” dữ lắm, một bãi chứa tầm 10.000 tấn cát nhưng cỡ 3 ngày là “ăn” sạch, nếu tụi tui không vào là cháy hàng ngay” - ông Bi nói.

Lại điệp khúc “chúng tôi sẽ kiểm tra...”

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND xã Phong Hiền: trên địa bàn chỉ có Tập đoàn đầu tư Việt Phương là đơn vị khai thác cát trắng trên diện tích mỏ được cấp là 400ha. Tuy nhiên, hiện đơn vị này chưa hoạt động vì chưa có nhà xưởng theo quy định.

“Còn về một số xe ben chở cát trắng ở địa phương là do một số người trộm, thỉnh thoảng có mấy xe (?)”.

Khi được hỏi về tình hình khai thác cát trộm quy mô lớn tại các mỏ cát ở xã Phong Hiền, ông Trịnh Đức Hùng - chủ tịch UBND huyện Phong Điền - cho biết hiện ở xã Phong Hiền không có doanh nghiệp nào được phép khai thác cát trắng để bán đi cả. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xác minh lại những thông tin mà PV cung cấp” - ông Hùng nói.

Còn theo ông Phan Văn Thông - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp nào được cấp phép đưa cát trắng xuất khẩu đi ra nước ngoài.

“Vào tháng 9-2016, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Việt Phương có xin phép đưa 200 tấn cát trắng khai thác tại xã Phong Hiền đi Ý để thí nghiệm. Ngoài trường hợp đó ra thì toàn tỉnh không ai được phép đưa cát ra nước ngoài” - ông Thông nói.

Transcend Việt Nam không trả lời

Để làm rõ việc cát trắng được khai thác trái phép ở tỉnh Thừa Thiên - Huế rồi bán cho Công ty TNHH khoáng sản Transcend Việt Nam, PV  đã nhiều lần liên hệ với Công ty Transcend Việt Nam.

Tuy nhiên đại diện công ty này liên tục từ chối, cho rằng “giám đốc công ty đi nước ngoài nên không gặp được”.

Trước đó vào tháng 8-2016, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập biên bản Công ty TNHH MTV Khoáng sản và đầu tư Khánh Hòa tại Thừa Thiên - Huế (Khamihuco) vì chở cát ra khỏi địa bàn bán cho Công ty TNHH khoáng sản Transcend Việt Nam.

Ngay sau đó, Khamihuco bị xử phạt 40 triệu đồng.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích