Bảy cá thể voi xuất hiện ở bìa rừng xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn, Quảng Nam), để kiếm ăn khiến tâm lý của nhiều hộ dân bất ổn vì lo sợ voi sẽ tấn công người, phá hại hoa màu.
Voi rừng xuất hiện là tín hiệu tích cực
Ngày 15/2, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Ngọc Nguyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn (Quảng Nam), cho biết ngay sau khi nhận thông tin từ người dân địa phương về đàn voi 7 con xuất hiện ở thôn Cấm La (xã Quế Lâm), đơn vị đã phối hợp cắt cử 2 tổ cán bộ kiểm lâm vừa làm công tác giữ rừng vừa bảo vệ đàn voi, đồng thời khuyến cáo người dân không để xung đột giữa người và voi xảy ra.
Hình ảnh đàn voi xuất hiện kiếm ăn ở bìa rừng thôn Cấm La, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) được người dân ghi lại. Ảnh: Tăng Tâm. |
Theo ông Nguyên, trong khoảng năm 2004 đến 2005, nhà chức trách sử dụng bẫy ảnh và đã chụp được một số hình ảnh của voi nhưng chưa ai được tận mắt nhìn thấy voi rừng cũng như số lượng cá thể voi đang sinh sống là bao nhiêu.
Để theo dấu voi (được xem là một trong những loài đặc hữu ở những cánh rừng của huyện Nông Sơn), nhiều nhà khoa học đã cùng nhau vào rừng để tìm hiểu, nghiên cứu nhưng cũng chỉ thu được dấu chân và phân voi.
“Suốt 10 năm nay, không có một kiểm lâm của huyện hay người dân đi rừng nào tận mắt nhìn thấy voi rừng. Thế nhưng, đúng ngày đầu năm mới (mùng 1 Tết Đinh Dậu), 7 cá thể voi lại xuất hiện và được cư dân địa phương ghi lại được bằng hình ảnh. Tôi cho rằng đây là một tín hiệu tích cực để sớm tiến tới thành lập khu bảo tồn voi trên diện tích hơn 18.000 ha ở huyện Nông Sơn”, ông Nguyên nói và cho rằng một khi khu bảo tồn voi được lập thì công tác bảo vệ sẽ hiệu quả hơn.
Ông Phạm Ước (nguyên Trưởng thôn thôn Cấm La) cho biết việc dùng dùi đánh vào thau đồng có thể giúp người dân xua đuổi được voi rừng. Ảnh: Đức Phương. |
Tư lệnh ngành kiểm lâm huyện cho biết thêm hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân vì sao voi lại tràn xuống bìa rừng xã Quế Lâm; tuy nhiên, không loại trừ khả năng nguồn thức ăn của loài này tại nơi chúng thường sinh sống “đã bị biến đổi” khiến các cá thể voi phải tìm cách di chuyển đến những cánh rừng có hệ thực vật tái sinh để kiếm ăn.
Đàn voi phá vỡ nhiều ống dẫn nước của người dân
Là người đầu tiên ghi hình được đàn voi 7 con tràn xuống bìa rừng phía sau nhà để tìm kiếm thức ăn, anh Tăng Tâm (21 tuổi, trú thôn Cấm La, xã Quế Lâm), cho hay sáng 28/1, trên đường đi sửa ống dùng để dẫn nước vào ruộng, anh tình cờ nhìn thấy một đàn voi 7 con đang kiếm ăn cách nhà chừng 1 km.
"Khi nhận thấy có người đến, đàn voi bỏ đi nơi khác ngay. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy đàn voi rừng nên khá lo sợ”, anh Tâm kể và cho hay đàn voi chính là thủ phạm phá vỡ nhiều ống dẫn nước của người dân tại địa phương.
Anh Tăng Tâm (21 tuổi) được xem là người duy nhất ghi lại hình ảnh đàn voi rừng đang kiếm ăn ở bìa rừng thuộc thôn Cấm La. Ảnh: Đức Phương. |
Những ngày sau đó, thi thoảng người dân đi rừng cũng nhìn thấy đàn voi đi kiếm ăn. Nhiều chỗ còn in dấu chân và phân của đàn voi. “Đã có một vài người trong thôn lên rừng vào ban đêm vô tình bị voi phát hiện và bị rượt đuổi”, anh Tâm nói.
Việc đàn voi rừng xuất hiện gần khu dân cư cũng gây tâm lý hoang mang cho nhiều người khác ở thôn Cấm La (xã Quế Lâm). Ông Phạm Ước (70 tuổi, nguyên là Trưởng thôn thôn Cấm La), cho hay hàng trăm mét ống dẫn nước của gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác cũng bị đàn voi làm hư hại.
“Nhiều năm trước cũng có người nhìn thấy voi rừng nhưng ở cách xa nhà dân. Hiện nay, dù đàn voi chưa làm ai bị thương nhưng tôi cũng cảm thấy bất an”, nguyên trưởng thôn Ước chia sẻ.
Xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn), nơi đàn voi 7 con xuất hiện. Ảnh: Google Maps. |
Để người dân có thể chủ động đề phòng thú dữ tấn công, những năm gần đây, UBND huyện Nông Sơn (Quảng Nam) và lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các tổ chức quốc tế mở những lớp tập huấn kỹ năng phòng tránh xung đột giữa voi và người; diễn tập phòng tránh voi rừng… Đồng thời, trang bị cho mỗi hộ dân một chiếc thau đồng và một cái dùi bằng gỗ, là dụng cụ có tác dụng xua đuổi thú rừng ra xa khu dân cư.
Theo Zing