Trị kẻ tiểu bậy là đúng nhưng nếu chính quyền không xem lại số lượng và chất lượng của nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) thì người dân khó tâm phục, khẩu phục.
Bạn đọc Nguyễn Ngọc cho rằng đã có luật thì làm theo luật, cứ kêu gọi ý thức hoài có được gì đâu. Nhìn sang Singapore mà học. Họ trở nên văn minh nhờ phạt nặng những hành vi trái pháp luật, xâm hại môi trường công cộng. Chúng ta qua đó đi chơi, du lịch vì muốn được sống văn minh như họ thì tại sao lại không tự mình văn minh bằng việc đi tiểu đúng nơi quy định.
Nhà vệ sinh trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM bị bao vây bởi hàng quán |
Còn bạn đọc Trần Ngọc Lan nhận định ý thức của mỗi người vẫn là quan trọng nhất và không nên đổ thừa do thiếu NVSCC. Nếu thiếu sao không thấy phụ nữ nào kéo quần tè bậy như các ông con trai. Nếu kẹt quá vào quán cà phê hoặc ghé các trạm xăng đi nhờ. Nhà nước đã khuyến khích các trạm đổ xăng cho khách và người dân đi nhờ để giảm tiểu bậy ngoài đường thì người dân cũng nên hợp tác.
Theo bạn đọc Tony Đỗ, “trị bệnh tiểu đường” không khó và giới thiệu cách làm của Ấn Độ từ nhiều năm trước là dùng xe cứu hỏa chạy quanh mấy quận nội thành, thấy ai đứng tè bậy là xịt ngay cho té lăn cù. Nhiều bạn đọc còn liên hệ đến việc vứt rác bừa bãi trên đường phố. Nếu xử phạt mà trên đường phố không có thùng rác để người dân vứt rác thì xử phạt không công bằng. Và sẽ công bằng hơn khi TP xử phạt các công ty vệ sinh chuyên đi thu gom rác làm rơi vãi rác, chất thải ra đường.
Nếu TP cho rằng lực lượng chuyên trách không đủ nhân sự thì có thể giao quyền về cho địa phương ở cấp phường, khu phố là đơn vị giám sát, tổ chức đội an ninh trật tự, vệ sinh để thực hiện việc xử phạt này. Tiền phạt sẽ vào ngân sách của phường để chi cho việc bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh của khu phố, camera giám sát.
NVSCC ở gần ngã tư Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi, quận 1 treo tấm bảng coi chừng mất xe như thách đố người mắc tiểu |
Tuy nhiên, các quyết định xử phạt sẽ tâm phục khẩu phục khi TP có nhiều nhà vệ sinh hơn nữa, dù phải trả phí thì ai cũng vui lòng. Đồng thời, cũng cần có các bảng chỉ dẫn đến nhà vệ sinh để khi có nhu cầu thì người dân tìm tới. Bạn đọc Phạm Nam Sơn chia sẻ nhiều tuyến đường ở trung tâm TP nhà cửa san sát nhau không biết NVSCC ở đâu, người dân bí quá thì làm liều dù biết như vậy là thiếu ý thức.
Ngoài ra, nhà vệ sinh phải có người giữ xe để người dân an tâm hơn khi sử dụng. Không thể nào chấp nhận được những biển cảnh báo coi chừng mất xe ở NVSCC. Không lẽ chính quyền lại bắt người dân cân đong đo đếm trước khi đi vệ sinh, một nhu cầu không thể trì hoãn tức thời. Nhu cầu này nó giống như ăn uống, ngủ nghỉ nên các nhà vệ sinh không thể mở cửa theo giờ hành chính, phải mở xuyên đêm để phục vụ mọi người.
Ở các tuyến đường nội thành đã khan hiếm NVSCC thì các tuyến đường mới như Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt lại hoàn toàn vắng bóng. Do đó, khi xây dựng các tuyến đường mới, TP cũng cần phải bổ sung tiêu chí NVSCC để sắp xếp số lượng cho hợp lý.
Ngoài ra, bạn đọc Lê Lâm hiến kế nên giao việc xử phạt người tiểu bậy cho dân phòng cùng nhân dân khu phố bắt tại trận và buộc người vi phạm dọn dẹp, tẩy rửa "hiện trường" và các hoạt động công ích trong 8 tiếng. Người vi phạm có quyền chọn lựa giữa đóng phạt một lần số tiền rất lớn hay lao động công ích cho địa phương. Nếu hôm nay làm chưa đủ thì các ngày tiếp theo phải tiếp tục lao động công ích cho đủ thời gian mới được nghỉ.
Theo NLĐ