|
Ông Huỳnh Minh Bon bây giờ |
Ông Huỳnh Minh Bon (85 tuổi, cựu cơ trưởng - phi công của Đoàn bay 919, thuộc Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam) nói.
Tháo ghế Boeing 707
Boeing 707 thuộc dòng máy bay phản lực chở khách đầu tiên được sản xuất tại Mỹ, là máy bay chở khách lớn nhất lúc bấy giờ với sức chứa 181 hành khách, tốc độ 966km/h.
Năm 1979, Việt Nam chỉ có duy nhất một máy bay Boeing. Và người có thể lái Boeing lúc đó chỉ có duy nhất phi công Huỳnh Minh Bon - người của chế độ Sài Gòn được trưng dụng làm việc cho ngành hàng không Việt Nam lúc đó.
Trước năm 1975, ông Huỳnh Minh Bon là phi công của Công ty Hàng không Việt Nam (Air Vietnam).
“Mấy anh lãnh đạo gặp tôi và nói: tình hình bây giờ nếu chỉ chở quân bằng An-12, C-119, C-130... thì không kịp. Boeing là máy bay chở được nhiều khách nhất lúc đó. Họ hỏi tôi có thể dùng Boeing chở quân không. Tôi nói được.
"Tôi bay nhanh lắm. Bay liên tục chỉ gần một tuần là xong nhiệm vụ. Lúc đó chuyển quân gấp mà. Tôi nói bay được là bay, dù mệt cũng bay" Ông Huỳnh Minh Bon |
Lúc đó thiếu tướng Trần Mạnh, đang là phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam, hỏi tôi: anh có thể chở được cả vũ khí không vì tới nơi là chúng tôi phải chiến đấu ngay chứ không thể chờ 2-3 ngày, một tuần lễ sau mới có vũ khí chiến đấu.
Khi tôi học ở nước ngoài, vũ khí và chất nổ nghiêm cấm đưa lên máy bay dân dụng.
Tôi biết nhiệm vụ này rất nguy hiểm nhưng đất nước đang cần mình. Tôi trả lời: Tôi làm được! Trước khi về, anh Trần Mạnh dặn tôi: Đây là nhiệm vụ tuyệt mật, không nói cho người thứ hai, kể cả vợ con” - ông Bon kể.
Bình thường Boeing 707 có sức chở gần 200 người. “Tôi nghĩ phải làm sao chở được thật nhiều quân nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Tôi đề xuất dỡ bỏ một lượng ghế trên máy bay. Tôi phải trực tiếp chỉ đạo cách tháo ghế. Chỉ tháo ở những vị trí được phép để đảm bảo độ cân bằng cho máy bay” - ông Bon nói.
Khoảng 50 ghế ở phần phía trước, khoang giữa và sau đuôi máy bay được tháo rời. Toàn bộ số ghế tháo rời được mang ra khỏi máy bay.
Những khoảng trống không có ghế được đan bởi những sợi dây. Bộ đội ngồi bệt dưới nền, đấu lưng vào nhau. Còn cột dây là để khi máy bay đi vào vùng thời tiết xấu, bị rung xóc, nghiêng ngả, bộ đội bám vào dây không bị dịch chuyển gây mất an toàn.
Nhờ sáng kiến này của phi công Huỳnh Minh Bon, mỗi chuyến chiếc Boeing 707 đã chở được 300 người của Quân đoàn 2. Phần nguy hiểm nhất là số lượng vũ khí mang lên máy bay. Đạn dược, súng ống đựng trong những thùng rất lớn. Nhân viên mặt đất phải cột dây lại cho thùng dính với ghế để không bị dịch chuyển.
“Các thùng vũ khí không để tập trung một chỗ mà rải rác khắp máy bay, hạn chế va chạm khi rung xóc vì có nguy cơ cháy nổ và thương vong rất cao” - cựu cơ trưởng chuyến bay đặc biệt cho biết.
Ông kể: “Bộ đội mang theo súng đạn, balô xếp thành từng phân đội, lên máy bay trong vài chục phút là tôi cất cánh được ngay”.
Lúc đó, Boeing 707 chỉ có duy nhất một tổ bay. Và cơ trưởng luôn luôn là ông Bon. Một ngày phi công Huỳnh Minh Bon cất cánh hai chuyến từ Tân Sơn Nhất ra Hà Nội.
Thắp đèn dầu ở đường băng
Nếu như các máy bay An-12 của Liên Xô hay C-119, C-130... bay ban ngày thì Boeing 707 lại chủ yếu bay ban đêm. Sau chuyến bay ngày đầu tiên Huỳnh Minh Bon đề xuất bay đêm.
Ông giải thích: “Tôi thấy ban ngày mình bay nhiều quá, cường độ bay rất lớn. Trong khi ban đêm lại không có chuyến nào. Nếu tận dụng khoảng trống ban đêm để chuyển quân thì sẽ nhanh hơn nhưng cái khó là sân bay của ta không sẵn sàng để bay đêm vì đường băng ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài lúc đó không có đèn chạy dọc đường băng như bây giờ.
Tôi đề nghị đốt đèn dầu dọc đường băng, đường lăn và bến đậu nhưng đèn phải đảm bảo được độ sáng. Đèn không to quá cũng không nhỏ quá. Kiểu đèn tôi đề xuất phải chứa được 3 lít dầu chứ không cháy nhanh, mau hết dầu. Mà loại đèn đó thì không sản xuất sẵn, phải làm riêng.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, các anh ấy đã đáp ứng được loại đèn dầu như yêu cầu. Khi nào thấy còn 15 phút nữa cất cánh, tôi báo “tôi sắp cất cánh” thì ở dưới đường băng mấy ảnh mới thắp đèn dầu.
Đèn để hạ cánh thì khác một chút. Lúc đó có một số xe tải của Liên Xô đèn rất sáng. Tôi đề nghị cần 10 xe tải Liên Xô. Khi chuẩn bị hạ cánh, ôtô phải bật đèn ngay đầu đường băng”.
Chuyến bay đêm đầu tiên của Boeing 707 cất cánh lúc 9h tối. Phi hành đoàn có 1-2 lái phụ đi cùng, trong đó có một người là phi công quân sự hàm đại tá.
Lúc đó Boeing 707 chỉ hạ cánh ở sân bay Nội Bài vì có đường băng dài hơn 3.000m. Sân bay Gia Lâm quá nhỏ, đường băng không đủ dài để Boeing cất hạ cánh.
Ông Bon nhớ lại: “Chuyến bay đêm đầu tiên mọi người rất lo lắng, nhất là anh Trần Mạnh. Anh ấy nói: Tôi ủng hộ anh bay đêm nhưng nếu anh bay không thành công tôi sẽ gặp khó khăn lớn”.
Trên thực tế, một số cựu phi công quân sự tham gia bay chở quân thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3-1979 cho biết lúc đó mới tiếp thu máy bay nên trình độ của phi công chưa thể bay đêm.
Chuyến bay đêm đầu tiên của Boeing 707 hạ cánh thành công ở sân bay Nội Bài, xóa tan những lo lắng và hoài nghi của nhiều người về khả năng của phi công Huỳnh Minh Bon.
“Tôi bay nhanh lắm. Bay liên tục chỉ gần một tuần là xong nhiệm vụ. Lúc đó chuyển quân gấp mà. Tôi nói bay được là bay, dù mệt cũng bay” - ông Bon kể.
Lái máy bay từ thời Pháp và tới năm 1975 ông Bon có 25 năm kinh nghiệm lái máy bay dân dụng. Khi đất nước thống nhất, ông được mời tiếp tục làm việc, vừa bay vừa đào tạo phi công cho cách mạng.
Ông Bon kể: “Ngày 30-4-1975, tôi đang lái Boeing 707 chở khách chặng Sài Gòn - Hong Kong - Tokyo. Lúc dừng ở Hong Kong thì nghe tin Sài Gòn giải phóng. Lúc đó có nhiều hãng nước ngoài mời tôi ở lại bay cho họ nhưng tôi từ chối. Tôi muốn về nước. Gia đình, vợ con tôi ở Việt Nam. Đó là quê hương tôi. Tôi không đi vì tôi yêu Việt Nam”.
Ngoài Boeing 707, một số máy bay dân dụng khác cũng được huy động cho cuộc chuyển quân khẩn cấp bằng đường hàng không. Ông Huỳnh Minh Phương, 70 tuổi, hiện sống ở Hà Nội, là người đã lái máy bay TU-134 chở bộ đội từ sân bay Phnom Penh về sân bay Tân Sơn Nhất. TU-134 cũng được tháo ghế để có thể chở 100 quân thay vì 80 người như bình thường. |
Theo TTO