|
Nhà hát Duyệt Thị Đường - Đại Nội, Huế cổ nhất Việt Nam có tới hơn 200 năm tuổi vừa được trùng tu biển diễn Nhã nhạc Huế. |
Dự án quy mô đầu tiên mà Nhật Bản tài trợ cho Huế chính là dự án trùng tu Ngọ Môn, với tổng số tiền là 100.000 USD; cửa chính của Hoàng thành, công trình được xem là biểu tượng về Cố đô Huế.
Thống kê đến thời điểm hiện tại, tổng kinh phí tài trợ từ phía Nhật Bản cho Huế hơn 4,6 triệu USD/10 triệu USD tổng kinh phí quốc tế đã tài trợ về văn hóa cho hệ thống di tích Cố đô Huế.
Viện Nghiên cứu di sản Thế giới UNESCO - Đại học Waseda (gọi tắt là Heritage Waseda) đang hợp tác với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để nghiên cứu về kiến trúc truyền thống Huế.
Với mục tiêu nghiên cứu để bảo tồn và trùng tu chân xác các di tích thuộc triều Nguyễn, mà trọng tâm là nghiên cứu để tái thiết di tích điện Cần Chánh - một công trình quan trọng bậc nhất của kiến trúc cung đình Huế nhưng đã bị chiến tranh thiêu hủy từ năm 1947. Đây là công trình đang trong đề nghị đăng ký nguồn vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản cho dự án phục nguyên Điện Cần Chánh.
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết gắn liền với công việc hỗ trợ trùng tu, Nhật Bản còn đào tạo chuyên môn và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong trùng tu và bảo tồn nhã nhạc cung đình Huế.
Một số cán bộ chuyên gia của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại Nhật Bản. Từ sự hỗ trợ này đã góp phần đào tạo được đội ngũ cán bộ nghiên cứu bảo tồn có trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn.
Đáng chú ý, Nhật Bản tài trợ cho những hoạt động bảo tồn văn hóa phi vật thể xây dựng có thể kể tới như "Kế hoạch hoạt động cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy Nhã nhạc-Nhạc cung đình Việt Nam" và dự án "Hỗ trợ bảo tồn trực tiếp và công tác nghiên cứu đào tạo."
Cả hai dự án tài trợ này đều phục vụ cho việc bảo tồn âm nhạc cung đình Huế, nhất là đào tạo các nghệ nhân, nghệ sỹ cho tương lai. Dự án đã xây dựng những nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu, tư liệu hóa và truyền dạy các kỹ năng về Nhã nhạc cho thế hệ trẻ, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản này ở các cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.
Cùng với đó, Nhật Bản cũng đã hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trong việc áp dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến nhất vào công cuộc phục hồi, trùng tu, bảo vệ những công trình kiến trúc hư hỏng nặng thông qua chương trình tài trợ thiết bị hỗ trợ nghiên cứu-trùng tu di tích.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng Đại học Waseda - Nhật Bản đang thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu về tái tạo cảnh quan văn hóa tại lưu vực sông Hương, giai đoạn 2016-2018; phối hợp với Hội Kiến trúc sư toàn Nhật Bản tổ chức hội thảo chuyên đề về bảo tồn kiến trúc gỗ truyền thống. Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng sẽ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phi vật thể Quốc tế tại Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (IRCI) để nghiên cứu và tăng cường các giải pháp cụ thể giúp bảo tồn bền vững di sản văn hóa phi vật thể ứng phó với các thiên tai, thảm họa.
Có thể khẳng định rằng quan hệ hợp tác trao đổi về văn hóa giữa Nhật Bản với Huế đã có những bước phát triển rất lớn. Nhìn chung, các lĩnh vực hoạt động hợp tác và nghiên cứu giữa Nhật Bản và Huế đã diễn ra khá đa dạng, bao gồm cả về nghiên cứu sưu tầm, tổ chức hội thảo khoa học, đào tạo nghiệp vụ kỹ năng chuyên môn, trùng tu bảo tồn di tích và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể.
Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mong muốn phía Nhật Bản tăng cường xúc tiến các khoản viện trợ ODA cho các công trình kiến trúc đang cần được phục hồi phục vụ cho công tác bảo tồn, trùng tu di tích Huế.
Nhật Bản hiện xếp thứ 8 trong top 10 quốc gia có du khách đến Huế. Tính riêng trong năm 2016, đã có hơn 25.100 lượt khách Nhật Bản đến Huế (chiếm 4,14%) tổng lượng khách quốc tế.
Theo TTXVN