Hình minh họa (PNO)
Nhiều lần bất chợt tỉnh giấc giữa đêm, theo quán tính, chị Nguyệt quờ tay sang phía chồng. Một khoảng trống lành lạnh ùa vào tim khi chị nhận ra chồng mình - anh Thanh, vẫn chưa về. Đảo mắt một lượt khắp gian phòng, chị bỗng dưng thấy xa lạ trong chính ngôi nhà của mình. Nỗi cô đơn khiến tim Nguyệt thắt lại. Chị ước ao phải chi ai đó mang đi hết những vật dụng đắt tiền chị đang có, đang vây quanh chị và trả chồng về cho chị.
Mười năm trước, Nguyệt là giáo viên tiểu học, Thanh làm nghề quảng cáo. Cưới nhau trong hoàn cảnh tay trắng, anh chị phải sống cảnh nhà thuê trong xóm lao động nghèo. Cuộc sống tuy khó khăn, bữa cơm tuy đạm bạc, song với Nguyệt, đó là chặng đời êm đềm, hạnh phúc không thể quên. Ngày ấy, vợ chồng đi đâu cũng có nhau. Sau giờ làm, Thanh về sớm lăng xăng phụ giúp vợ. Hi hữu lắm anh mới về trễ nhưng cũng không khi nào quá 10 giờ đêm. Mọi chuyện thay đổi kể từ ngày anh quyết tâm “thoát” nghèo bằng cách hùn vốn với một người bạn mở công ty. Việc làm ăn phất lên, theo thời gian anh chị chẳng những mua được biệt thự sang trọng mà còn có tiền cho các con du học.
Thế nhưng, cũng từ đó, Nguyệt bắt đầu cảm thấy lẻ loi khi sự vắng mặt của chồng tăng theo cấp số nhân. Chuyện làm ăn, giao tế… khiến anh có về đến nhà cũng trong tình trạng chân nọ đá chân kia. Bỗng dưng như có bức tường ngăn cách giữa họ bởi bao tâm sự muốn chia sẻ với chồng, Nguyệt đành ôm lấy một mình. Chị than thở: “Anh ấy thay đổi đến chóng mặt. Bận rộn đến mức không còn thời gian cho vợ con, coi gia đình như nhà trọ.
Là vợ chồng sống chung một mái nhà mà cứ ngỡ Ngưu Lang - Chức Nữ”. Nỗi cô đơn của Nguyệt cứ lớn dần theo ngày tháng bởi chị không thể chia sẻ được với chồng, dù là những chuyện nhỏ nhặt nhất. Nếu chị đòi hỏi chồng dành cho mình thời gian để lấp đi khoảng trống vô hình kia thì… quá sức anh, bởi Thanh không thể vừa kiếm tiền vừa ở bên vợ.
Hoàn cảnh chị Giang còn trớ trêu hơn: “Có tiền sinh tật. Ngày còn khó khăn, chồng tôi nào biết cờ bạc, bù khú rượu chè. Khi đó, anh còn là người đàn ông mẫu mực, chung tình, chỉ biết mang tiền về cho vợ”. Huân - chồng chị vốn là dân xây dựng. Sau một thời gian theo đuổi công trình, tạo dựng các mối quan hệ, Huân bắt đầu tự nhận thầu. Công việc đòi hỏi thường xuyên di chuyển, những đêm vắng nhà ở lại công trình, Huân giải khuây bằng cách “đốt” tiền theo những ván bài.
Tiếp đó là tăng hai, tăng ba trong các quán nhậu có em út phục vụ. Lo lắng đến mất ăn mất ngủ, chị Giang chỉ ước ao chồng mình kiếm tiền ít đi một chút cũng được, miễn là anh không… sinh tật, mình không phải sống trong cảnh “vọng phu”. Chị chia sẻ: “Tiền bạc và tần suất anh ấy có mặt ở nhà luôn tỷ lệ nghịch. Mỗi lần anh mang tiền về, tôi lại thấy chồng càng xa cách, bởi đó dường như là nhiệm vụ duy nhất anh còn làm cho con, cho vợ. Là vợ, tôi cần ở chồng sự sẻ chia, biết quan tâm; các con tôi cũng cần người cha động viên, khuyên bảo”. Bao giờ cho đến… ngày xưa đã trở thành một giấc mơ, một khát khao xa xỉ của chị.
Giàu sang không mua được hạnh phúc
Bao nhiêu người vợ phải sống trong cảnh nhung lụa mà lòng dạ héo hon, cô đơn như chị Nguyệt, chị Giang khi người chồng mải lo kiếm tiền, cố tạo dựng sự sung túc cho gia đình nhưng lại vô tình đánh rơi trách nhiệm, vai trò làm chồng, làm cha? Công việc cuốn những người đàn ông theo cơn lốc của nó khiến vợ chồng ngày một xa cách. Yêu thương, chia sẻ vốn là chất keo gắn bó, tạo nên hạnh phúc cứ thế hư hao, vương vãi trên bước đường làm giàu. Có chị, chồng đi vắng, hì hục dắt chiếc xe máy đi làm mà chợt tủi thân, nhớ một thời chồng cọc cạch chở vợ bằng chiếc xe đạp cũ kỹ.
Có chị sống trong biệt thự vẫn thấy nhớ căn phòng trọ 10m2 ngày xưa, chiếc gối êm ấm hôm nay vĩnh viễn không thay được cánh tay chồng năm xưa; bữa cơm dẫu có cao lương mỹ vị nhưng chỉ một mình nên vẫn chạnh lòng, chợt thèm vài cọng rau, chén mắm mà vợ chồng con cái líu ríu nói cười bên nhau. Nhớ làm sao cái thuở hàn vi đầy ắp yêu thương, chuyện gì chồng vợ cũng có thể san sẻ cho nhau. Cuộc sống nghèo khó nên vợ chồng thương nhau hơn, bù đắp cho nhau nhiều hơn bằng sự quan tâm, đỡ đần trong mọi việc.
Nhiều ông chồng biện bạch, thời buổi này, khi mọi người đều đua nhau làm giàu thì không thể mãi tôn thờ mô hình “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Các bà vợ phải biết điều đó để thông cảm cho chồng. Thật khó mà vẹn toàn với những đòi hỏi vốn… rất chính đáng của phụ nữ. Thế nhưng, làm cho cuộc sống đi lên không có nghĩa là ta phải đánh mất, hy sinh hạnh phúc.
Quan trọng là mỗi người biết nhìn lại để thấy mình đang đi đến đâu, tình cảm dành cho nhau có bị cuốn trôi, hao hụt theo guồng quay của lo toan, công việc. Phụ nữ vốn nhạy cảm, mềm yếu và… nông nổi. Họ dễ hạnh phúc và cũng hay tủi buồn. Một chút quan tâm, chăm sóc của chồng là cũng đã thấy hạnh phúc. Tiền bạc nào đánh đổi được giây phút vợ chồng ngồi bên nhau luận bàn dăm ba câu chuyện, con trẻ đùa nghịch níu cổ ba, nằm lòng mẹ. Với người phụ nữ, thế đã là đủ đầy…
Chỉ đến khi nghe con gái mách mẹ hay ra ngoài vào buổi tối, Huân mới dành hẳn một buổi chiều để nghe vợ tâm sự những ẩn ức trong lòng. Chị nói, chị không thể nào tiếp tục sống với nỗi cô đơn ngày một lớn; với những lo lắng mơ hồ cứ dằn vặt khôn nguôi bởi không thể “định vị” được chồng đang ở đâu, làm gì… Nghe tâm tư của vợ, nhìn lại, anh Huân ngỡ ngàng nhận ra hình ảnh người chồng, người cha của mình trong ngôi nhà sang trọng quả đã mờ nhạt. May mà trong lúc anh biền biệt, chưa có gã nào đến thay anh lấp đầy khoảng trống của vợ.
Trong một lần đọc trộm nhật ký của vợ, Thanh giật mình bởi hóa ra, điều vợ cần ở anh không phải một tháng hai mươi triệu mà chỉ là hai phút được chồng hỏi han mỗi ngày; hai mươi phút dành trọn cho bữa cơm gia đình không bị tiếng chuông điện thoại quấy rầy.
Giật mình để nhìn lại, sửa đổi, để biết điều tiết thời gian giữa công việc và gia đình, giảm đi một phần bận rộn để chăm lo cho tổ ấm là việc người chồng nào cũng phải cố gắng. Bởi, mục đích cuối cùng của hôn nhân chính là hạnh phúc, điều mà nếu chỉ tiền bạc thôi chưa đủ. Bất kỳ người vợ nào cũng chỉ cần một người chồng biết yêu thương, chia sẻ mọi buồn vui của họ. Tiền bạc chỉ là phương tiện...
Theo PNO