Để có nắm nem ngon, nguyên liệu bì lợn phải được tuyển chọn từ những con lợn khỏe, miếng bì phải làm sạch lông và dính chút mỡ, thường chọn miếng bì ở phần đầu vừa không dày, lại không nhiều mỡ, sẽ không ngán và nắm nem không bị ướt nhão. Bì lợn làm nem được thái thủ công bằng tay.
Thịt lợn phải được lấy từ lò mổ khi miếng thịt còn nóng hổi và không được đặt xuống đất, không được rửa nước lạnh để thịt ngon và dẻo hơn.
Luộc bì rồi thái tay thành những sợi nhỏ, thịt lợn nạc luộc tái sau đó cũng thái bản mỏng, thịt tái sẽ giúp cho nem có vị ngọt và bùi hơn.
Điều làm nên mùi thơm của nem nắm Giao Thủy chính là thính, phải làm từ gạo tám Nam Định mới dậy mùi. Gạo ngâm trong nước qua một đêm rồi để ráo nước, đem rang lên rồi xay thành bột, có màu vàng ngà ngà, thơm phức, vị ngậy.
Thính sau đó được trộn đều với bì lợn và thịt lợn đã sơ chế ở trên. Từng hạt thính nhỏ li ti quyện chặt lấy từng sợi bì, đảo đều tay nghe xào xạo vui tai, rồi nắm chặt.
"Bạn đường" không thể tách rời của nem nắm Giao Thủy là nước mắm Sa Châu (xã Giao Châu, huyện Giao Thủy), thứ nước chấm được làm theo cách cổ truyền cũng rất nổi tiếng. Làm nước mắm này hơi kỳ công một chút, đó là cá được nấu chín tự nhiên, không qua tẩm ướp, sau chừng 6 tháng mới mang ra vắt lấy nước mắm nguyên chất. Sau đó, mắm lại được phơi nắng nóng rồi cho vào vại sành chôn xuống đất thêm 6 tháng nữa. Vậy là phải mất một năm, nước mắm Sa Châu mới được mang ra để ăn với nem nắm.
Để thưởng thức món nem nắm Giao Thủy, bạn chỉ cần cuốn nem nắm vào lá sung, thêm ít rau thơm rồi nhón qua bát nước mắm Sa Châu là xong. Vị béo béo ngầy ngậy nhưng không ngán cùng với đắng chát nhẹ của đinh lăng sẽ làm bạn nhớ mãi. Bởi thế, người xưa đã có câu: “Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mải vui quên hết lời em dặn gì!”
Theo Vnexpress