|
Nhiều “chiêu thức” sinh con theo ý muốn
Bác sĩ Phạm Thành Đức -Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện (BV) Phụ sản quốc tế Sài Gòn, bật mí không ít cặp vợ chồng đến với bác sĩ sản khoa cho biết họ áp dụng nhiều “chiêu thức” để sinh được con gái, hoặc trai theo ý muốn. Từ những phương thức ăn uống, sinh hoạt, kiểu thế trong quan hệ vợ chồng, nhưng nhiều người không nhận được kết quả như mong muốn.
Chuyện chọn năm sinh là ý muốn có thể được, chứ tuyệt đối không được chọn ngày, giờ mổ bắt con khi thai chưa đủ tháng, trẻ sinh ra dễ mắc các bệnh, dễ bị suy hô hấp, viêm phổi... | |
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn (BV Từ Dũ) |
Theo bác sĩ Đức, có cặp vợ chồng bật mí họ chọn tư thế trong lúc “yêu nhau” theo lời... đồn; có người đi xem thầy bói nói để sinh con trai, hay gái vợ chồng cần xoay đầu về hướng đông, hoặc hướng tây lúc quan hệ; có người còn cho biết phải kê lại cả giường theo ý thầy bói; hoặc cố ăn mặn để sinh con trai…
Bác sĩ Đức cho rằng, những “chiêu thức” nói trên không ảnh hưởng đến việc sinh con gái hay trai. Quan niệm chồng “mạnh” sinh con trai, chồng “yếu” sinh con gái cũng hoàn toàn trật lất. Việc “canh” để sinh con trai hay gái quan trọng là dựa vào thời điểm người vợ rụng trứng để giao hợp. Nhưng, việc này không thể đạt kết quả 100% như ý muốn, vì chỉ cần trứng rụng chệch thời gian một tí là kết quả khác nhau; những xúc cảm, hay nhiệt độ, môi trường... cũng có thể làm thay đổi thời điểm rụng trứng ở người vợ.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn (BV Từ Dũ) phân tích thêm, chế độ ăn mặn, lạt; hay kiểu thế giao hợp... không ảnh hưởng đến giới tính con sinh ra, mà quan trọng là thời điểm vợ chồng “gần nhau” kết hợp thời điểm trứng rụng. Cụ thể, khi giao hợp, tinh trùng Y nhanh nhảu hơn thường di chuyển vào buồng tử cung trước, nếu lúc ấy gặp trứng rụng thì sự thụ thai diễn ra, và sẽ cho ra con trai. Nếu lúc tinh trùng Y vào mà trứng chưa rụng, tinh trùng Y chết đi, tinh trùng X vào sau, nhưng gặp lúc trứng rụng, thụ thai thì sẽ cho ra con gái.
Những chuẩn bị trước sinh
Theo bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng khoa Khám bệnh (BV Phụ sản Hùng Vương), chị em trước khi mang thai cần chuẩn bị một số điểm cơ bản như: kiểm tra sức khỏe tổng quát, kèm với khám phụ khoa xem có bệnh gì cần điều trị dứt điểm trước không; cần tiêm ngừa một số bệnh như rubella, viêm gan…
Với chị em lâu nay đặt vòng tránh thai thì cần lấy vòng ra trước một tháng; với người ngừa thai bằng thuốc uống cũng ngừng thuốc một tháng trước lúc muốn mang thai; còn những cặp ngừa thai tự nhiên (dùng bao cao su, tính chu kỳ) thì khi nào muốn mang thai thì cứ “thả” tự nhiên. Với người chồng cũng cần kiểm tra sức khỏe tổng quát xem có bệnh gì cần điều trị hay không trước khi có con.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn khuyên đi siêu âm, kiểm tra buồng trứng xem có u bướu gì không… Bác sĩ Dương Phương Mai (BV Từ Dũ) dặn dò thêm: “Nếu chị em dưới 35 tuổi, chu kỳ kinh đều đặn, không bị viêm nhiễm gì ở đường sinh dục, quan hệ vợ chồng để tự nhiên mà 2-3 tháng không mang thai thì nên đến BV kiểm tra”. Nói chung, cần những chuẩn bị gì trước khi mang thai, chị em nên đến tư vấn ở bác sĩ sản phụ khoa.
Ngoài chọn năm, nhiều gia đình còn chọn ngày, chọn giờ hợp, giờ tốt để mổ bắt con. Đây là việc các bác sĩ khuyến cáo không được làm, vì rất nguy hiểm, nhất là khi thai chưa đủ ngày, đủ tháng.
Bác sĩ Phạm Thành Đức khuyên: “Cố gắng để sinh tự nhiên, sinh thường qua ngã âm đạo được là tốt nhất”. Còn bác sĩ Hoàng Tuấn khuyến cáo: “Chuyện chọn năm sinh là ý muốn có thể được, chứ tuyệt đối không được chọn ngày, giờ mổ bắt con khi thai chưa đủ tháng, trẻ sinh ra dễ mắc các bệnh, dễ bị suy hô hấp, viêm phổi…”.
Năm con heo vàng (2007) cũng được xem là năm rất tốt để sinh con. Năm đó, các BV phụ sản tại TP.HCM quá tải trầm trọng, tại BV Từ Dũ và BV Hùng Vương có những phòng chỉ 16 giường phải “gánh” 60-70 sản phụ; có khoa 90 giường phải gánh 160-170 sản phụ, chưa tính em bé và người nhà. Năm nay Nhâm Thìn cũng được xem là năm tốt, dự báo số ca sinh trong năm sẽ tăng cao. |
Theo Thanhnien