Mới lạ món ăn 3 miền ngày Tết

Thứ ba, 24/01/2012, 06:16
SaigonNews - Thành ngữ Việt Nam có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Tết đến, dù nghèo khó đến đâu người ta cũng cố vay mượn, xoay xở để có đủ cái ăn trong ba ngày Tết sao cho "trẻ có bát canh, già được manh áo mới".

Tuy mỗi miền Bắc - Trung - Nam đều có những món ăn riêng phù hợp phong tục tập quán nhưng tất cả đều toát lên lòng hiếu khách cũng như văn hóa ẩm thực của người dân Việt Nam.

Ăn Tết ở miền Bắc



Bánh Chưng không thể thiếu trong những ngày Tết
 

Trên bàn ăn ngày Tết miền Bắc không thể thiếu bánh chưng xanh, thịt đông và dưa hành. Trong quá trình làm bánh chưng, tuỳ theo đặc điểm từng vùng có thể thêm bớt thành phần nhân bánh, nhưng thông thường có: thịt, đậu, hành khô, hạt tiêu. Nhân bánh phải là thịt ba chỉ, đậu xanh thứ tốt, hành khô thái lát. Muốn cho nhân bánh ngon, đậu xanh phải hấp chín trước, sau đó giã nhỏ, vắt thành từng nắm nhỏ, khi gói cho vào bánh cùng với thịt và hành.



Từng miếng bánh dẻo ăn với dưa hành là khỏi chê
 

Bánh chưng dẻo, béo, ăn dễ ngán nên cần phải có đĩa dưa hành chua chua, giòn giòn, khiến cho người thưởng thức ăn được nhiều hơn, ngon miệng hơn. Có lẽ câu “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành”… cũng xuất phát từ đây. Không chỉ có bánh chưng, dưa hành mà mâm cơm Tết còn được bổ sung rất nhiều những món ngon của xứ Bắc. Đó là đĩa gà luộc vàng ươm, khoanh giò lụa mịn với hương vị ngọt tự nhiên của thịt, vị thơm của nước mắm và hơi cay của hạt tiêu.

Ngoài ra một món ăn mà các bà nội trợ miền Bắc không thể quên chuẩn bị trong những ngày Tết là nồi cá kho riềng. Cá để kho trong ngày Tết thường lá cá chép hoặc cá trắm. Miếng cá kho riềng thơm, thịt chắc, đậm đà, ăn với bánh chưng, dưa hành thật lạ miệng.



Thịt đông ngày Tết
 

Ngày nay để thuận lợi, người ta còn chuẩn bị rất nhiều món ăn đông lạnh sẵn, khi cần là chế biến ngay. Nhưng dù món truyền thống hay món mới, vẫn toát lên một không khí đầm ấm, cười nói khi gia đình quây quần bên nhau.

Người Hà Nội vốn chuộng hình thức nên bày mâm cỗ cúng rất khéo léo và đẹp mắt. Đĩa xôi gấc đỏ tươi, các món ăn được rắc hành, rau thơm lên trên xanh mướt. Nhìn vào mâm cỗ người ta có cảm giác như được thưởng thức bức tranh “bốn mùa.”

Tết ở miền Trung



Nem chua Thanh Hóa ăn vào một miếng là nhớ mãi
 

Không giống miền Bắc tiết đông lạnh giá với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành Tết ở miền Trung cũng đầy ắp hương vị với hương thơm của bánh tét, nem chua, tré, thịt giầm, thịt chua và tai heo.

Riêng tại Huế, món ăn truyền thống ngày Tết, dù dung dị đến đâu sẽ không thể thiếu bánh tét xanh thẫm và dậy hương nếp cái nhờ nước cốt lá ngót ngâm gạo, bò bắp giầm nước mắm thái lát mỏng tang ăn kèm những miếng dưa món chua chua, ngọt ngọt, sắc màu tươi thắm ngâm trong nước trong vắt như hổ phách. Vị chát và chua cay của chuối chát ngâm giấm gừng cùng vị ngọt béo của những món ăn ngày Tết làm cho người kén ăn nhất cũng phải ứa nước miếng. Ngoài ra, người miền Trung cũng rất chuộng món giò heo ăn kèm với cơm nóng và chút măng muối.



Dưa món miền Trung
 

Ngoài những món thông thường được chế biến từ thịt gà, thịt heo, người Huế còn làm thêm các món chua nhẹ dễ tiêu như nộm, dưa món được làm từ đu đủ, cà rốt, hành củ, su hào, củ cải, ớt… gọt tỉa rất khéo léo rồi đem phơi nắng cho khô, sau đó ngâm với nước mắm pha đường.

Cỗ Tết ở Huế còn có các món mang đặc trưng riêng không vùng nào có được là món xà lách gân bò, chả tôm, nem bò lụi…Về món mứt, miền Trung chuộng nhất là mứt me và mè xửng…

Ăn Tết miền Nam



Đĩa bánh Tét được bày biện bắt mắt
 

Ở miền sông nước, món ăn không thể thiếu trên bàn ăn ngày Tết là bánh tráng và bánh tét. Bánh tráng miền Tây có một hương vị rất riêng với nước cốt dừa, khi ăn bánh có vị béo, bánh giòn và hấp dẫn. Có thể dùng ăn riêng hoặc ăn kèm với những thức ăn khác rất ngon.

Món chủ lực của vùng nông thôn Nam Bộ là bánh tét. Bánh tét có nhiều loại như bánh tét chay không nhân, bánh tét mặn, bánh tét ngọt và bánh tét nhân thập cẩm. Đòn bánh tét gói khéo léo có thể để tới nửa tháng trong khí hậu nóng bức của miền Nam.

Gia đình nào có nhiều người thường gói nhiều bánh tét và chia nhau canh lửa, khi Tết đến họ thường biếu họ hàng một cặp với dụng ý cầu chúc hạnh phúc đủ đôi. Bánh tét ăn cùng thịt và thịt kho Tàu, kèm với dưa giá, dưa cải, củ kiệu hay ăn riêng vẫn rất hấp dẫn.



Mỗi nhà thường nấu sẵn một nồi thịt kho tàu ăn vào những ngày  trong Tết



Củ kiệu ăn với tôm khô là khỏi chê
 

Ngoài ra còn nhiều đặc sản miệt vườn khác như canh khổ qua, đậu đũa xào thịt, lạp xưởng chiên ăn với dưa cải...

Miệt vườn miền Tây không chỉ nổi tiếng với sản phẩm làm từ gạo và dừa mà còn có những loại mứt từ các loại khoai, bí, gừng... Món mứt của Mỹ Tho nổi tiếng bởi sự cầu kỳ khi chọn nguyên liệu và từng công đoạn chế biến, làm nên vị ngọt thanh, thơm, bùi. Khi khách đến, nhâm nhi miếng mứt bên tách trà cùng nhau bàn chuyện còn gì thú vị bằng.

Cẩm Tú (ST và TH)

Các tin cũ hơn