Độc đáo tục đổi váy của thiếu nữ Di

Thứ bảy, 21/01/2012, 13:27
Sau khi trải qua nghi thức đổi váy ở tuổi trăng rằm, thiếu nữ dân tộc Di có quyền tự do yêu đương, thậm chí quan hệ ân ái rồi mới định ngày thành hôn.

Chiếc váy với người dân tộc Di, Trung Quốc không chỉ là phụ kiện làm bật lên nét đẹp cơ thể mà còn đánh dấu sự trưởng thành của phụ nữ. Thông thường, con gái trước 15 tuổi thường mặc váy với hai sắc đỏ, trắng thuần khiết và tết tóc một đuôi sam. Tròn tuổi trăng rằm, tất thảy các cô gái đều phải trải qua nghi thức đổi váy. Bộ xiêm y gắn bó suốt năm tháng tuổi thơ sẽ được thay thế bằng váy dài ba, bốn tầng với sắc: xanh, đen, lam, đỏ, trắng… đối nhau rất mạnh.

Lúc này, các cô gái sẽ tạm biệt mái tóc một đuôi sam, là lượt chải chuốt, rẽ tóc và tết thành hai bím nhẹ nhàng, gỡ bỏ khuyên tai cũ, đeo khuyên lấp lánh sặc sỡ. Nghi thức này được cử hành trong nhà cô gái, với sự tham dự của bạn bè đồng trang lứa, các cô dì và những phụ nữ trong họ mạc. Nghi lễ này không cho phép sự có mặt của người đàn ông trong thời khắc đổi váy.

Mọi người quây quần cười nói, dặn dò những điều quan trọng và dành cho thiếu nữ lời chúc tụng ý nghĩa. Sau đó, một phụ nữ xinh đẹp, khéo léo sẽ tỉ mỉ trang điểm, chải đầu, đeo khuyên tai, vòng tay, sửa sang váy áo để biến cô gái thành một tân nương giả. Cô gái còn được vẩy nước ướt trán để chứng thực đã bước sang giai đoạn trưởng thành. Khi nghi thức kết thúc, đàn ông đàn bà ùa vào, hoan ca chúc tụng rồi cùng nhau thưởng thức cỗ bàn, say sưa uống rượu, vui vẻ hòa vào những điệu múa truyền thống hoặc bẽn lẽn tỏ tình cùng người thương.

 

Nghi lễ đổi váy, chứng thực sự trưởng thành của phụ nữ tộc Di.

Nghi lễ đổi váy đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của người phụ nữ tộc Di. Khi được choàng lên mình bộ váy áo mới, cô gái có quyền tự do tìm kiếm người thương. Chỉ cần chàng trai “môn đăng hộ đối” và xa huyết thống là hai người được phép quan hệ. Tới khi cô gái có tin mừng, nhà trai sẽ chủ động tìm tới nhà gái, dâng lễ cưới và định ngày thành hôn. Nếu chưa trải qua nghi thức linh thiêng, thiếu nữ không được phép gần gũi đàn ông. Một khi sai phạm, cô gái sẽ hứng chịu những hình phạt hà khắc.

Các thiếu nữ Di xinh đẹp.

Để nghi thức được diễn ra suôn sẻ, cha mẹ thiếu nữ phải mời các vị cao tuổi, giỏi chữ nghĩa, xem ngày chọn tháng tỉ mỉ. Các nhà dư giả thường mổ lợn, giết dê, thết đãi linh đình. Các gia đình eo hẹp kinh tế dù không cao lương mỹ vị cũng phải đầy đủ tiệc rượu, mời chòm xóm tới chung vui. Khách khứa đều vui vẻ tới dự, ngay từ sáng sớm đã mang tặng phẩm tới mừng.

Lễ đổi váy thường được diễn ra vào năm tuổi lẻ của thiếu nữ. Người tộc Di quan niệm, nếu tiến hành nghi thức vào năm tuổi chẵn, cô gái sẽ gặp vận xui, hứng chịu rủi ro suốt đời, đặc biệt là trong hạnh phúc lứa đôi, sinh con đẻ cái.

Theo baodatviet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn