Mỗi củ kiệu của mẹ thấm đẫm yêu thương...

Thứ bảy, 21/01/2012, 09:12
Củ kiệu mẹ tôi làm trắng trong, thật giòn, vị chua ngọt hòa quyện với nhau thật dịu. Nếu cất trong tủ lạnh thì để được cả năm trời mà kiệu vẫn không mất mùi vị.

 

Năm nay Tết đến sớm. Nhìn đâu cũng thấy công việc bộn bề. Thế mà khi cô nhân viên bảo: “Chị ơi, năm nay có làm dưa kiệu không, làm cho em một hủ với. Chồng em rất thích ăn dưa kiệu nhưng hôm rồi em vô siêu thị mua một hủ, về ảnh chê không thèm ăn”, tôi lại gật đầu nhận lời ngay.
Thật tình, mười mấy năm nay, Tết nào tôi cũng chỉ làm được hai hủ dưa kiệu để biếu cho sếp cũ của tôi. Hồi anh còn đương chức và cả khi nghỉ hưu, quà Tết của tôi cho sếp chỉ có vậy. Nhớ có năm phải đi công tác nước ngoài đúng vào dịp gần Tết, sợ không  về kịp, tôi đã thức suốt đêm cắt hết mấy ký kiệu để làm xong hai hủ dưa kiệu gởi lại cho sếp rồi mới yên tâm lên đường.  
Thế nhưng, từ Tết năm ngoái, tôi đã “chuyển giao bí quyết” cho con gái của sếp. Em làm cũng khá ngon nên tôi đem hai hủ dưa kiệu của mình phân phát cho nhân viên trong phòng. Chẳng biết dưa kiệu tôi làm ngon thật hay lính vị bụng mình mà ăn xong, đứa nào cũng tấm tắc khen và năm nay lại đòi… Tính tôi vốn cả nể nên lại nhận lời.
Cái món dưa kiệu này hồi nhỏ tôi thấy mẹ làm nên bắt chước chứ thật ra chẳng có bài bản gì. Mẹ mua kiệu về đem trộn với tro bếp rồi phơi nắng. Độ chừng 3, 4 hôm thì rửa sạch, cắt bỏ rễ và ngọn; sau đó rửa lại bằng nước phèn hoặc nước chanh rồi để ráo.  
Vôi ăn trầu 1 cục bằng nắm tay mẹ lắng lấy nước trong rồi ngâm củ kiệu vào đó 1 đêm. Sáng hôm sau vớt kiệu ra, lại xả 5-7 lần với nước trong cho thật sạch rồi ngâm vào nước chanh chừng 2 phút, sau đó vớt ra và xả lại lần cuối bằng nước sạch.
 Hồi nhỏ mỗi lần thấy mẹ cắt kiệu, xả kiệu, phơi kiệu là tôi lại lắc đầu, rụt cổ: “Ai làm sẵn con ăn chớ bắt con làm, con không làm đâu, mắc công quá hà”. Mẹ mắng: “Con gái mà không chịu làm thì ế chồng nghe con”. Không phải vì sợ ế chồng mà tôi chịu khó ngồi coi mẹ cẩn thận cân đường, trộn đều vô kiệu rồi đem phơi mà là vì tôi thích cái mùi hăng hăng của củ kiệu.
Cứ 1 ký kiệu mẹ trộn đều với 300gr đường cát trắng, sau đó đem phơi nắng. Mẹ lại dặn: “Lúc phơi, phải nhớ lấy cái khăn the đậy lại để ruồi, kiến không đậu vào. Lâu lâu phải trộn đều cho kiệu thấm”.
Cái công đoạn phơi kiệu cũng lắm công phu. Cứ phải canh nắng, phải trộn đều. Phơi như vậy chừng 5-7 ngày thì củ kiệu ráo lại, trong veo, nước đường trong thau chỉ còn sền sệt.

 
Khi ấy, mẹ tôi mới sắp kiệu vào keo thủy tinh rồi đun sôi dấm để nguội chế vào cho ngập. Mà dấm để làm củ kiệu mẹ tôi cũng tự nuôi lấy bằng nước dừa xiêm nên chua thanh mà rất thơm. Chỉ cần cho dấm vào hôm trước thì hôm sau đã ăn được.  
Mẹ tôi cẩn thận dặn, khi lấy củ kiệu ra ăn, phải gắp bằng đũa thật sạch để kiệu không bị hư.  
Khi ăn, xếp củ kiệu vào dĩa như hình một bông hoa, ở giữa có thêm mấy miếng dưa cà rốt, củ cải… Ngày Tết, khi đã chán cá thịt, mấy ông anh của tôi thích lai rai tôm khô củ kiệu; còn tôi thì cứ cuộn với bánh tráng, rau sống, cá lóc nướng trui chấm với mắm nêm của mẹ mà quất tới căng bụng.  
Mẹ tôi năm nay đã 85 tuổi rồi. Mấy năm nay, kể từ khi thằng út cưới vợ, mẹ đã truyền lại “bí kíp” lại cho em dâu út của chúng tôi. Em dâu tôi cũng làm theo đúng cách mà mẹ chỉ dẫn. Thế nhưng, tôi vẫn thấy dưa kiệu em làm không trắng, không giòn, không ngọt, không đậm đà như của mẹ. Bởi lẽ, mỗi củ kiệu mẹ làm thấm đẫm tình yêu thương, niềm vui, hạnh phúc được vì những người mình thương yêu nhất nên  món dưa kiệu của mẹ mới đạt đến tuyệt đỉnh như vậy.
Còn tôi, bao nhiêu năm qua, ngoài mấy hủ dưa kiệu làm cho sếp, cho lính, tôi chưa lần nào dám mang “sản phẩm” của mình về cho mẹ thưởng thức. Bởi với tôi, dưa kiệu của mẹ là vô đối…
Nếu không tin, Tết năm sau, mọi người cứ thử làm xem…

Theo nld

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn