Ăn và chơi Tết ở Mát

Thứ sáu, 20/01/2012, 00:00
Tết là sự kiện quan trọng nhất trong năm của người Việt. Người Việt ở nước ngoài cũng thế, đều rất coi trọng ăn uống trong dịp Tết, nhưng xem ra nếu chỉ có vậy cũng chưa… thành Tết.


 
Nay ở Mát, chợ và các siêu thị rất nhiều, dễ dàng cho người Việt sắm Tết

Đối với người Việt ở nước ngoài, để lo cho đủ các món ăn truyền thống trong ngày Tết, trước đây 1 - 2 thập kỷ rất khó, nhưng đến nay điều ấy quá đơn giản, nhiều khi lại thuận tiện, nhiều cả lượng và chất (thực phẩm sạch) hơn cả tại Việt Nam. Ngay đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khó khăn ngang với thời bao cấp ở ta, nhưng Tết trong nhà ai cũng có đủ từ hộp mứt, mâm ngũ quả đến bánh chưng, dưa hành, măng, miến…

Từ đó đến nay, Tết mỗi năm một khá hơn… Kể từ khi nước Nga “mở cửa”, thực phẩm Việt cũng không thấy thiếu thứ gì. Mâm cỗ ngày Tết ở nước Nga xa xôi đâu có thua kém so với quê nhà… Điều mà rất nhiều người xa quê không chịu nổi, đó là nỗi nhớ gia đình, bè bạn, nhớ không khí Tết, nhớ hội làng và còn bao nỗi nhớ khác. Điều này lý giải tại sao các chuyến máy bay về Việt Nam giá vé ngày Tết tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường, mọi người vẫn chen nhau về cho bằng được.

Những cái Tết ở Mát (Moskva, người Việt gọi tắt) kể từ thập niên 90 trở lại đây phần nào nói lên điều ấy: Gia đình, bè bạn tụ tập ăn bữa cơm chiều 30 kể như xong Tết. Buồn nhất vẫn là tụi trẻ, chúng không biết đi đâu, chơi gì, cái mà duy nhất chúng tìm đến trong mỗi dịp Tết là pháo. Lác đác từ đầu thập niên 90, đỉnh điểm là Giao thừa Tết Kỷ Mão cho tới tận Tết dương lịch 2011, rất nhiều thanh thiếu niên tìm thấy niềm vui là được tụ tập đốt pháo, vui vì ở Việt Nam cấm sang đây lại được chơi.

Ở Nga việc đốt pháo có nhiều quy định rất chặt chẽ, văn hóa chơi của họ cũng cao hơn hẳn ta, nhưng hệ lụy từ pháo gây ra không ít tai nạn thương tâm. Dư luận lên án mạnh mẽ khiến nhà chức trách Nga đã ra lệnh cấm từ sau Tết dương lịch 2011. Người ta bảo “vui như Tết” nhưng ở đây ai cũng than buồn, ai cũng mong có một nơi để giao lưu gặp gỡ bạn bè.

Nắm bắt được nhu cầu này của người Việt, nhiều nhà hàng tổ chức chương trình “Vui Tết đón Giao thừa”. Mỗi suất quy ra khoảng 50 - 60 USD, trong đó cũng được xem vài tiết mục ca hát “cây nhà lá vườn”. Phần “nóng” của chương trình mà các ông chủ người Việt quảng cáo rầm rộ là màn biểu diễn của các vũ nữ Nga: Được nhìn các cô gái Nga trẻ, rất xinh đẹp nhảy múa ai cũng phấn khích, ăn thấy ngon hơn, rượu uống thấy nồng hơn nhưng… Khi mảnh một được vứt bỏ, bọn trẻ con ôm mặt chạy đi hết. Đám đông nam giới, những ông chủ người Việt làm ăn phát đạt thi nhau nhét tiền vào “mảnh hai” bé tí tẹo và khi “mảnh hai” rơi xuống nốt… là cú sốc thật sự với những người “âm lịch” như chúng tôi. Đó là cảnh vui Tết của nhiều nhà hàng Việt Nam ở Mát thời đó. Sau hai lần trải nghiệm, nhiều gia đình như chúng tôi “cạch” không dám đến nhà hàng để “Vui Tết đón Giao thừa nữa”, vui đâu chẳng thấy chỉ cám cảnh buồn.

Cũng lại những năm đầu thập niên 90, ngay tại Việt Nam nhạc nội bị lấn lướt, đâu đâu cũng chỉ nghe thấy giọng ca hải ngoại, băng Thúy Nga Paris by Night chiếm lĩnh thị trường. Làn sóng ấy lan tận sang nước Nga xa xôi. Áp Tết Ất Hợi (1995) đã diễn ra Đại nhạc hội California - Moscow với giá 25 USD (không hề rẻ vào thời điểm nước Nga đang đại khủng hoảng kinh tế). Dường như chưa thỏa mãn được nạn “đói món ăn tinh thần” của cộng đồng người Việt, 15 ngày sau Đại nhạc hội lần hai được tổ chức. Để rồi 3 tháng sau lại diễn ra “Dạ hội Noel” tại Trung tâm Mode Thời trang Quốc tế, giá vé tiếp tục tăng (28 USD) nhưng khán phòng vẫn kín người. Liên tiếp vào năm sau (1996), hai lần Đại nhạc hội vào Noel và Tết giá vé tăng lần nữa (35 USD).

Để tiết kiệm kinh phí, một đêm diễn chỉ có 2 - 3 ca sĩ nên phần biểu diễn chỉ chiếm nửa thời gian, còn lại để các ca sĩ giao lưu với khán giả: chụp ảnh kỷ niệm (có vệ sĩ đi theo bảo vệ trật tự), vài nghệ sĩ còn mang đĩa, album, ảnh chân dung của mình (khổ to dùng để treo tường) trực tiếp bán. Ai mua sẽ được đích danh nghệ sĩ ghi tên tặng, kèm chữ ký.

Vào thời điểm ấy, những buổi biểu diễn như vậy làm nóng lên bầu không khí Tết vốn đã lạnh giá nơi xứ người, làm hài lòng phần nào một bộ phận khán giả còn lại (nhất là lóp trẻ) vẫn ước ao được nghe một dòng nhạc khác, vui hơn, khỏe khoắn hơn, hợp thời đại hơn chứ không phải kiểu nhạc sến sến như thế này.

Gần cuối thập niên 90, thị trường âm nhạc trong nước đã thay đổi. Những nhà quản lý, những nhạc sĩ tâm huyết, nhiều ca sĩ (trong đó có rất nhiều ca sĩ trẻ) đã làm cuộc “cách mạng” trong âm nhạc, làm thay đổi hẳn cách nghe, cách nghĩ, cách nhìn với âm nhạc. Áp Tết Kỷ Mão (1999), một sự kiện quan trọng đã diễn ra ở Mát, đó là chương trình ca múa nhạc được tổ chức hoành tráng với các nghệ sĩ từ Việt Nam sang. Sự góp mặt của nhiều ca sĩ cùng dàn nhạc dân tộc, các nghệ sĩ múa đã làm nức lòng những người sống xa quê. Được nghe lại những bản nhạc, những bài hát mang đậm tâm hồn Việt, nhiều người cảm động mắt ngân ngấn nước…

Được chứng kiến sự kiện âm nhạc áp Tết Kỷ Mão (sự giành lại ngôi của nhạc Việt) dù đã qua hơn thập kỷ vẫn là cái Tết đáng nhớ của rất nhiều người Việt ở Nga.

Kể từ thập niên 90 đến nay, người Việt ở Nga có hơn 80% mưu sinh trong lĩnh vực kinh doanh buôn bán. Rất nhiều các doanh nhân thành đạt đã nêu cao tinh thần vì cộng đồng, tạo điều kiện cho mọi người sinh sống làm ăn ổn định. Ví dụ như ở Ukraina đã xây dựng được Làng thời đại, đây là khu đô thị cao cấp của người Việt đầu tiên trên thế giới để bà con có thể sinh sống hợp pháp, không lo bị trấn cướp như ở các “ốp” hay ở “kơva” nhỏ lẻ. Được biết ở đây còn xây được cả chùa, thỉnh nhà sư trong nước sang trụ trì… Mỗi dịp Tết đến còn tổ chức “Hội làng, chợ quê” để bà con gặp gỡ, thưởng thức các món ăn dân tộc, thưởng thức món ăn tinh thần mà các ca sĩ, nghệ sĩ từ trong nước sang biểu diễn.

Sau biến động cấm người nước ngoài bán buôn bán lẻ, hàng loạt chợ, “ốp”, trung tâm thương mại bị xóa sổ diễn ra từ 2007 đến nay, đã làm ảnh hưởng một bộ phận không nhỏ người Việt. Các hoạt động vui Tết năm nay chắc sẽ trầm lắng, ảm đạm… Chúng ta hãy tin với óc sáng tạo, tinh thần vượt khó của người Việt chắc chắn sẽ lại có những cái Tết đầm ấm nơi xứ người.

Theo Lao Động

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn