Cẩm nang ăn tết

Thứ hai, 23/01/2012, 07:49
Những buổi liên hoan, họp mặt nồng nhiệt kiểu “tết mà” dễ diễn ra thâu đêm, suốt sáng. Để có thể giữ được phong độ sau cuộc vui ngày tết, sảng khoái khoẻ mạnh bắt đầu lại công việc sau tết, có một số điều chúng ta cần lưu ý.


 


 

Theo dõi thể trọng

 

Việc thay đổi cân nặng nhiều (tăng hoặc giảm) đều ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trường hợp tăng cân nhanh: do ngày tết nhiều thức ăn, dễ ăn quá nhiều so với nhu cầu thường ngày, năng lượng dư thừa sẽ được dự trữ trong cơ thể dưới dạng mỡ. Như chúng ta biết, lượng mỡ trong cơ thể có mối liên quan chặt chẽ với các bệnh mạn tính không lây như béo phì, tim mạch, đái tháo đường hoặc một số bệnh ung thư.

 

Trường hợp bị sụt cân: nguyên nhân chủ yếu là mải vui chơi cùng gia đình, bè bạn, đưa đến bỏ bữa, dẫn đến năng lượng ăn vào ít hơn nhu cầu cơ thể cần. Thức khuya cũng làm tăng nhu cầu năng lượng cho cơ thể trong khi lượng thực phẩm ăn vào lại ít đi, dẫn đến thiếu năng lượng và dễ mệt mỏi. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, cơ thể sẽ sụt cân và cơ bắp sẽ bị mềm, nhão. Thêm vào đó, do thiếu hụt một số chất dinh dưỡng quan trọng để tạo ra sức đề kháng nên dễ mắc bệnh.

 

Tăng cân còn do thay đổi giờ giấc sinh hoạt. Trong con người có một “đồng hồ sinh học” quy định giờ ăn ngủ cho chúng ta, ví dụ ăn ba bữa chính vào sáng, trưa, chiều; buổi tối thì đi ngủ. Thay đổi chế độ sinh hoạt như thức quá khuya, cơ thể sẽ không được nghỉ ngơi, làm giảm quá trình tổng hợp một số chất cần thiết. Việc bỏ bữa nhưng lại ăn nhiều vào những bữa khác có nguy cơ gây tăng cân và thay đổi thành phần mỡ, bắp thịt trong cơ thể. Khi bỏ bữa, cơ thể bị thiếu thức ăn, sẽ sử dụng năng lượng từ việc “đốt cháy” các bắp thịt. Nhưng sau đó, việc ăn nhiều để bù vào gây thừa thức ăn so với nhu cầu. Như vậy việc bỏ bữa và ăn bù, kết hợp với lối sống tĩnh tại một thời gian dài có thể gây giảm khối lượng khối cơ bắp (biểu hiện là bắp thịt bị mềm, nhão) và gia tăng khối lượng mỡ dự trữ trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

 

Thêm một nguyên nhân: trong những ngày tết, nguồn năng lượng đến từ bia và nước ngọt sẽ nhiều hơn so với nhu cầu từ đó gây tăng dự trữ mỡ. Loại đường dùng trong nước ngọt có gas thường là nguồn cung cấp năng lượng rỗng, loại năng lượng không dùng cho cơ thể hoạt động mà sẽ được chuyển hoá thành dạng mỡ dự trữ. Một ly rượu whisky (60ml) cung cấp khoảng 120kCal (tương đương nửa chén cơm), một lon bia 330ml có năng lượng của 2/3 chén cơm trắng; một lon nước ngọt có gas 330ml có năng lượng của nửa chén cơm. Với trẻ nhỏ, uống nhiều nước ngọt có gas có thể gây rối loạn tiêu hoá và làm trẻ biếng ăn.

 

Lưu ý cho người mắc các bệnh mạn tính

 

Người mắc bệnh mạn tính không lây, nhằm phòng tránh những diễn tiến không tốt của bệnh, cần uống thuốc đúng và đủ liều theo chỉ định của thầy thuốc, cố gắng duy trì chế độ ăn mà các bác sĩ đã hướng dẫn. Nguyên tắc chung cần nhớ là phải có chế độ ăn đầy đủ năng lượng, đa dạng, hợp lý và tuỳ theo từng loại bệnh mà có những “kiêng khem” khác nhau. Cụ thể:

 

Người mắc đái tháo đường: hạn chế những thực phẩm chứa nhiều đường (bánh, kẹo, mứt, nước ngọt), trái cây ngọt. Nên sử dụng những thực phẩm ít đường, hoặc được chế biến từ nguyên liệu có chỉ số đường huyết thấp (như bún, gạo lứt…) Cũng nên ăn nhiều rau, củ để tăng lượng chất xơ trong khẩu phần. Nên có chế độ vận động hợp lý, phù hợp với tình trạng sức khoẻ, để dễ tiêu hao bớt năng lượng ăn vào.

 

Người cao huyết áp, bệnh tim mạch: nhằm tránh cho tim phải làm việc nhiều, cần ăn lạt, ít muối, ít cholesterol, ít dầu mỡ nhưng giàu kali (trái cây), chất xơ (rau củ). Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm công nghiệp như thịt hộp, cá hộp, thực phẩm nhiều muối: dưa, củ cải muối, mì, phở, cháo ăn liền, tương, giò chả hoặc các loại thịt mỡ, da, phủ tạng động vật (như gan, óc...) vì làm tăng cholesterol trong máu.

 

Người thừa cân, cholesterol trong máu cao: cần hạn chế thực phẩm nhiều năng lượng, nhiều dầu mỡ, cholesterol và đường như các món ăn dạng chiên, quay, xào... Khi ăn bánh chưng, thịt kho trứng với nước dừa thì nên chọn thịt nạc, không ăn mỡ, da, ăn ít trứng. Tăng cường ăn cá, đậu hũ thay thịt gia cầm. Hạn chế ăn đồ lòng như tim, gan, cật (do chứa nhiều cholesterol)… Nên dùng các thực phẩm có nhiều chất xơ (rau củ) giúp giảm cholesterol, tạo cảm giác no nhanh và kéo dài giúp kiểm soát lượng thực phẩm ăn vào.

 

Người bị bệnh gút: tránh các loại thức uống chứa chất cồn như rượu, bia…; hạn chế ăn nội tạng động vật (óc, gan, bầu dục), hải sản (trừ cá), thịt, nấm, măng tây… vì dễ làm dư thừa axít uric gây đau khớp.

 

Như vậy, để tận hưởng được đầy đủ hương vị ngày tết, chúng ta cần có gắng duy trì chế độ sinh hoạt như bình thường, ăn uống điều độ, hợp lý, tránh bỏ bữa. Những người mắc bệnh thì cần uống thuốc theo đúng chỉ định và lưu ý chế độ ăn nhằm tránh làm cho bệnh trở nặng.

 

Theo Dantri


Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn