Kinh tế vỉa hè: Đừng để quyết sách thành đối sách

Thứ năm, 23/03/2017, 09:06
Những giằng co giữa kinh tế vỉa hè để biến trung tâm Sài Gòn trở nên thông thoáng, nơi thực sự là Hòn Ngọc Viễn Đông, lại luôn mâu thuẫn với sinh kế của nhiều thân phận.

Và đó là lý do mà dù đã có chủ trương về dọn dẹp vỉa hè từ rất lâu nay, qua nhiều đời lãnh đạo, vỉa hè Sài Gòn vẫn chưa được dọn dẹp sạch sẽ.

Với doanh nghiệp, họ sẽ làm thế nào?

Để tung ra một quảng cáo cho một sản phẩm mới trên thị trường, các doanh nghiệp trước đó hai tuần phải tung sản phẩm đến các chợ, các điểm bán lẻ và thực hiện các quảng cáo tại các điểm bán, cùng nhiều chương trình khác để khách dần quen.

Và khi tung quảng cáo lên, người tiêu dùng nhìn thấy và có thể dễ dàng mua được. Điều tối kỵ với các nhà sản xuất là khi người tiêu dùng đến các điểm bán lẻ tìm hàng theo quảng cáo nhưng không có. Khi đó, họ sẽ mua hàng của đối thủ.

Bà Sáu 82 tuổi, vất vả trèo vào nhà trên đường Chu Mạnh Trinh. Bậc tam cấp để bước lên nhà đã "biến mất" sau khi đoàn "giành lại vỉa hè" đi qua. Bà  Sáu đã sống gần 50 năm ở khu vực này và bà chưa bao giờ gặp phải cảnh này.

Nói thế để thấy rằng sự chuẩn bị là hết sức quan trọng cho bất kỳ một chiến lược, một chính sách, một quyết sách.

Đành rằng bán buôn trên vỉa hè từ hàng rong đến hàng quán là vi phạm quy định, đành rằng các bậc tam cấp đang bị khoan phá, các bốt gác bị đập, các biển quảng cáo bị tháo dỡ là đúng pháp luật

Đâu là sự chuẩn bị của chính quyền?

Nếu không có sự chuẩn bị đó, sự ủng hộ của rất nhiều người ban đầu với câu chuyện mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm đã nhanh chóng quay sang bất bình khi nhiều lúc đã quá mạnh tay... Làn sóng bất bình sẽ tăng cao khi động đến sinh kế, lợi ích khiến cho hình ảnh của vị Phó Chủ tịch quận lẫn những chiếc máy xúc, máy ủi, máy khoan trở nên thiếu thiện cảm.

Không thể mang máy xúc máy khoan, đập phá các bậc tam cấp mà có thể xóa được nền kinh tế vỉa hè, vốn đã là một phần văn hóa lâu đời, và có thể biến quận 1 thành một Singapore, hay một Hòn Ngọc Viễn Đông.

Lực lượng cưỡng chế đang phá dỡ tam cấp của một khách sạn lấn vỉa hè. Ảnh: Tùng Tin.

Hình ảnh dứt khoát của giới công quyền khi cho cẩu các xe hơi vi phạm lòng lề đường về đồn có thực sự cần thiết khi mà có cách giải quyết tốt hơn bằng cách ghi giấy phạt, phạt nặng, theo thông lệ mà các quốc gia tiên tiến đang làm?

Nếu quả thật nghiêm minh, thẳng tay, không có vùng cấm thì cứ phạt, và hành động tái phạm sẽ phạt nặng hơn, với các chế tài mạnh mẽ hơn.

* Bài viết thể hiện văn phong, góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại TP.HCM.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích