|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) - Ảnh: Chosun |
Giả sử CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân trong vài ngày tới, đó có phải là lần đầu tiên không? Không, nó sẽ là lần thứ 6. Vụ bắn thử tên lửa sáng 16-4 cũng chỉ là một trong số hàng chục vụ thử tương tự dưới thời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Vậy tại sao tình hình lại xung quanh bán đảo Triều Tiên lại trở nên nóng như những ngày vừa qua?
Từ quyết định cứng rắn của ông Trump
Nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ cuộc không kích bằng Tomahawk của Mỹ vào Syria ngày 7-4. Sự thay đổi nhanh chóng, khó lường và quyết định thực thi giải pháp quân sự cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Syria chỉ trong 68 giờ đồng hồ khiến người ta “ớn lạnh” khi nghĩ kịch bản tương tự sẽ lặp lại ở Triều Tiên nếu quốc gia này thử hạt nhân lần 6.
Cho đến bây giờ, ai là người đứng sau vụ tấn công hóa học khiến hàng chục người Syria thiệt mạng ngày 4-4 vẫn chưa rõ. Nhưng rõ ràng là hành động đơn phương sử dụng vũ lực đối với một quốc gia có chủ quyền, được Liên Hiệp Quốc công nhận như Syria là không thể chấp nhận. Nó tạo tiền đề xấu, nuôi dưỡng tư duy muốn làm “sen đầm” nhưng bất chấp luật pháp quốc tế trong quan hệ quốc tế.
Vậy có phải là lần đầu tiên Mỹ đơn phương sử dụng quân sự chống lại quốc gia khác, bất chấp luật quốc tế không? Không hề.
Trong gần trăm cuộc chiến do Mỹ phát động, chỉ có 5 lần Quốc hội Mỹ tuyên bố chiến tranh với nước khác - đúng như những gì Hiến pháp Mỹ đã quy định. Những lần còn lại, các tổng thống Mỹ đều viện dẫn “lý do khẩn cấp” để đưa quân vào nước khác: cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003 là một ví dụ. Những gì xảy ra sau đó tại Iraq giờ đã quá rõ, chẳng có vũ khí hóa học nào được tìm thấy, nhà lãnh đạo Saddam Hussein bị treo cổ, Iraq rơi vào bất ổn suốt 10 năm.
Về lý thuyết, ông Trump có quyền viện dẫn "lý do khẩn cấp" để đơn phương hành động trong vấn đề Triều Tiên như đã tuyên bố mà không cần thông qua Quốc hội. Lý do thì vô vàn, nhưng ông Trump có thể lấy cớ "binh sĩ và quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, Nhật Bản bị đe dọa". Ai mà biết được.
|
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson vẫn không đổi hướng, tiếp tục tiến về bán đảo Triều Tiên |
Thế giới phản đối hạt nhân, nhưng…
Quay trở lại câu chuyện hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền năm 2012 (thực tế là từ cuối năm 2011 sau khi cha ông, ông Kim Jong Il qua đời), Bình Nhưỡng bắt đầu đẩy mạnh chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.
Tổng cộng, Triều Tiên đã tiến hành 73 vụ bắn thử tên lửa (theo thống kê của báp New York Times) và 3 lần thử hạt nhân, riêng trong năm 2016 Bình Nhưỡng thử hạt nhân tới 2 lần.
Triều Tiên luôn tuyên bố theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế. Không có chỉ dấu nào cho thấy chính quyền Bình Nhưỡng dưới thời ông Kim Jong Un sẽ từ bỏ tham vọng này. Nói một cách khác, Triều Tiên có khả năng vẫn sẽ tiến hành thử hạt nhân và tên lửa trong tương lai.
Xâu chuỗi một loạt các tuyên bố từ trước đến nay của Bình Nhưỡng sẽ thấy họ đang bám sát và đi đúng với những gì tuyên bố để đạt được mục tiêu cuối cùng: vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân.
Không thể nói Bình Nhưỡng sẽ thử hạt nhân nếu muốn khiêu khích Mỹ trong thời gian này. Họ có nhiều lựa chọn khác ít tốn kém và ít mất thời gian hơn nhiều. Thông tin Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân lần 6 xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái, trên 38 North - chuyên trang về Triều Tiên của Mỹ.
Các hình ảnh vệ tinh thu được gần đây tại bãi thử hạt nhân Punggye Ri cho thấy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho một đợt thử nghiệm hạt nhân mới. Nếu Triều Tiên có thật sự thử hạt nhân, mục tiêu cơ bản của họ cũng sẽ giống với 5 lần thử trước đó: mong muốn tiến gần hơn đến sở hữu vũ khí hạt nhân.
Không tính 2 lần đầu tiên, 3 vụ thử hạt nhân gần đây của Triều Tiên, thế giới đã phản ứng thế nào? Mỹ và Liên Hiệp Quốc đã làm gì?
Chỉ dừng lại ở mức trừng phạt, hoặc “trừng phạt cứng rắn chưa từng có”.
Những lời đe dọa đáp trả Mỹ và các đồng mình của Mỹ từ Triều Tiên được lặp đi lặp lại hàng năm, nhàm chán đến nỗi người dân ở Seoul - thủ đô Hàn Quốc chỉ cách biên giới liên Triều khoảng 50km, chẳng buồn quan tâm hay lo sợ như lần Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010.
Tại sao lần này lại đáng lo hơn cả?
Câu trả lời đến từ nước Mỹ, mà trực tiếp là người đứng đầu quốc gia này.
Thông tin Bình Nhưỡng sắp thử hạt nhân, cộng với hành động quân sự đơn phương của Tổng thống Trump ở Syria và những lời đe dọa rằng ông sẽ tiếp tục “đơn phương” trong vấn đề Triều Tiên, đã đẩy tình hình khu vực vào căng thẳng.
Thế giới không cần thêm vũ khí hạt nhân nữa. Hòa bình và thịnh vượng đang là xu thế của thế giới. Vậy nên, có thể hiểu khi người ta thấy sợ một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, thấy lo cho một cuộc chiến sắp bùng nổ.
Nhiều chuyên gia nhận định, thực chất Triều Tiên muốn thử hạt nhân là để đạt được thế chủ động cho vòng đàm phán hạt nhân 6 bên. Bình Nhưỡng không muốn bị đặt dưới sự sắp xếp và áp lực ảnh hưởng của Mỹ lẫn Trung Quốc.
Theo TTO