Cả thế giới đang như “ngồi trên đống lửa,” dõi mắt theo “nhất cử, nhất động” của hai nhà lãnh đạo này, bởi chỉ cần một “mồi lửa nhỏ” cũng có thể làm nổ tung “thùng thuốc súng” tại Đông Bắc Á.
Tàu sân bay USS Carl Vinson được Mỹ điều động áp sát Triều Tiên |
Căng thẳng đã leo thang nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tấn công quân đội Syria với lý do đáp trả vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học trước đó vài ngày tại quốc gia Trung Đông này. Một tuần sau, ông Trump ra lệnh thả bom phi hạt nhân GBU-43B lớn nhất của Mỹ, còn được gọi là “mẹ của các loại bom” xuống cơ sở của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan.
"Dù khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên là rất ít, song một hành động sai lầm có thể làm tăng thêm bất ổn ở bán đảo Triều Tiên và khiến mọi việc trượt ra khỏi tầm kiểm soát. Nhiều khả năng Mỹ sẽ không tấn công phủ đầu Triều Tiên, song điều khiến mọi người lo ngại chính là phản ứng của ông Trump sẽ thế nào nếu một người như lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tỏ thái độ khiêu khích" Ông Gordon Flake, Chuyên gia nghiên cứu Hàn Quốc. |
Sau các cuộc tấn công bất ngờ trên, người ta bắt đầu đặt câu hỏi về mục tiêu tiếp theo của các bước đi quân sự của Mỹ. Và Triều Tiên là cái tên được nhắc tới bởi các động thái quân sự cùng một loạt tuyên bố mạnh mẽ gần đây của giới chức Washington cũng như Bình Nhưỡng. Dường như ông Trump đang muốn “xáo lại ván bài” tại Đông Bắc Á.
Ngày 11-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng Mỹ đã chuẩn bị tự mình giải quyết vấn đề Triều Tiên khi cần thiết, trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng đang có những động thái răn đe lẫn nhau khiến căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á leo thang. Bình luận trên của người đứng đầu Nhà Trắng được đưa ra sau khi một đội tàu của hải quân Mỹ tiến tới gần bán đảo Triều Tiên, một hành động được xem là phô trương sức mạnh và cũng là nguyên nhân khiến quốc gia biệt lập và sở hữu vũ khí hạt nhân này tuyên bố sẵn sàng chống lại mọi hình thức chiến tranh mà Mỹ muốn.
Đội tàu chiến mà Mỹ triển khai, trong đó có siêu tàu sân bay USS Carl Vinson lớp Nimitz, đã tới gần bán đảo Triều Tiên vào cuối tuần qua để phản ứng trước hàng loạt hành vi khiêu khích từ phía Bình Nhưỡng. Các vụ thử tên lửa liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây của Triều Tiên đã khiến Mỹ lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ sớm phát triển thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có gắn đầu đạn hạt nhân, đủ sức tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster ngày 9-4 cho biết, Tổng thống Trump đã yêu cầu các quan chức thực hiện tất cả các biện pháp có thể để đẩy lùi nguy cơ này. Các động thái răn đe lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên đã tăng mạnh sau khi Mỹ không kích Syria hồi cuối tuần trước để trừng phạt Tổng thống Bashar al-Assad sau vụ tấn công người dân bằng vũ khí hóa học, một cáo buộc mà phương Tây ủng hộ. Cuộc không kích diễn ra trong khi ông Trump đang đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng
Mar-a-Lago ở Florida được cho là cũng nhằm gửi một thông điệp tới Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố: “Chúng tôi sẽ có các biện pháp trả đũa mạnh mẽ nhất bằng sức mạnh vũ trang đối với những kẻ khiêu khích để bảo vệ mình… Mỹ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hệ lụy thảm khốc từ những hành động thiếu chừng mực của mình”.
Bình Nhưỡng cảnh báo
Có thể nói, bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ tiến sát tới một cuộc đụng độ quân sự như hiện nay kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006. Nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu trong tương lai gần, thì khả năng hành động quân sự của Mỹ nhằm vào quốc gia Đông Bắc Á sẽ cao hơn bao giờ hết. Đội ngũ của ông Trump dường như đã quyết định giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên.
Trước cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ hồi đầu tháng 4 vừa qua, Mỹ đã thông báo với Nhật Bản rằng nước này có thể phải tiến hành phương án quân sự đối với Triều Tiên nếu Trung Quốc không tăng cường sức ép để Bình Nhưỡng kiềm chế các tham vọng hạt nhân và tên lửa. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói với giới chức Nhật Bản rằng chỉ có hai phương án đối phó với Triều Tiên, một là Trung Quốc tăng cường sức ép, hai là Mỹ phải tấn công.
Những tuyên bố trên từ phía quan chức Mỹ đã khiến Chính phủ Nhật Bản nghiêng về quan điểm rằng một cuộc tấn công quân sự ngày càng trở thành phương án thực tế đối với Mỹ. Trong thời điểm này, nếu Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân mới hoặc một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, đó sẽ là “một cái tát” vào chính quyền Mỹ và sẽ làm gia tăng sự đối đầu giữa Triều Tiên và Mỹ.
Rõ ràng vấn đề hiện nay không phải là Triều Tiên có thử hạt nhân hay không, mà là sẽ thử vào lúc nào. Và khi giải pháp đối phó của Mỹ là tấn công phủ đầu bằng vũ khí thông thường nhằm vào Triều Tiên, thì dù bên nào đưa ra quyết định trước, hậu quả sẽ là như nhau: Một cuộc chiến tàn khốc, có thể sẽ hủy diệt tất cả các bên, bao gồm cả Mỹ với khoảng 60.000 binh lính đang được triển khai tại hai quốc gia Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bình Nhưỡng đã cảnh báo “đáp trả không thương tiếc” nếu Mỹ có hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên. Một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ có thể khiến Triều Tiên phát động đòn trả đũa nhằm vào Hàn Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh đó, một cuộc tấn công do Mỹ phát động nhằm vào Triều Tiên cũng sẽ động chạm tới những cường quốc khác trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.
Cả Đông Bắc Á đang sôi sục trước những động thái đe dọa và phô trương sức mạnh của cả Mỹ lẫn Triều Tiên. Một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc không thể lường hết đối với tất cả các bên. Đối thoại và đàm phán với một cách tiếp cận mới vẫn là giải pháp duy nhất để tháo ngòi “thùng thuốc súng” ở Đông Bắc Á lúc này.
Theo ANTĐ