Theo The New York Times ngày 15/4, cuộc chiến pháp lý nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad được cho là đang tiến hành một cách ráo riết.
Kịch bản Mỹ và các đồng minh thực hiện luật pháp hoá chính trị nhằm tước bỏ quyền lực của ông Assad cũng như xó bỏ tận gốc rễ chính quyền Damascus ngày càng thể hiện rõ nét và quyết liệt.
Dường như phương Tây đã đề phòng phải sử dụng kịch bản này nên có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Song có lẽ để “đảm bảo tính khách quan”, Mỹ và các đồng minh không trực tiếp thực hiện việc này mà Ủy ban Tư pháp Quốc tế và Trách nhiệm Giải trình (CIJA), một tổ chức phi lợi nhuận đã được cho là tác giả kịch bản.
Theo ông William H. Wiley, Giám đốc điều hành của Ủy ban Tư pháp Quốc tế và Trách nhiệm Giải trình cho hay tổ chức này được tài trợ bởi các chính phủ phương Tây và CIJA phải mất nhiều năm để lấy được các tài liệu của chính quyền Damascus, mang ra khỏi Syria, The New York Times tường thuật.
Phương Tây quyết lật đổ Tổng thống Assad không phải bằng những quả Tomahawk Mỹ, mà bằng công cụ mà họ gọi là cán cân công lý |
Trong một quá trình gọi là Điều tra tội phạm chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Syria, CIJA đã truy tìm và thu thập chứng cứ nhằm buộc tội Tổng thống Assad và chính quyền Damascus, bằng nhiều nguồn khác nhau, ở nhiều thời điểm khác, nhưng theo chuỗi thời gian và tính chất vụ việc xảy ra, có thể chia theo 4 thời kỳ, thời điểm khác nhau.
Thứ nhất : Thời kỳ thiết quân luật
Mấy chục năm đất nước Syria bị đặt trong tình trạng khẩn cấp đã tạo ra quá nhiều chứng cứ chống lại chính quyền Syria và cá nhân Tổng thống Assad trong cuộc chiến pháp lý.
Những chứng cứ nhằm buộc tội chính quyền Assad được thu thập chủ yếu liên quan đến những “vết đen” của Damascus trong việc duy trì thiết quân luật.
“Ba tấn tài liệu của chính phủ Syria bị nắm giữ khi các chính quyền các khu vực rơi vào tầm kiểm soát của lực lượng đối lập, đã cung cấp một danh mục đầy đủ về các tội ác chiến tranh của chính quyền trung ương.
Số lượng tài liệu duy nhất này đang được nắm giữ bởi một tổ chức ở châu Âu, trong đó có hình ảnh của hơn 6.000 người đã chết bởi những đòn tra tấn”, theo The New York Times.
Theo ông William H. Wiley, Giám đốc điều hành của CIJA cho biết, hiện có hơn 750.000 tài liệu của chính phủ Syria chứa hàng trăm nghìn tên tuổi, trong đó có nhiều cá nhân đứng đầu bộ máy an ninh của Syria.
Cho đến nay, CIA đã chuẩn bị 8 bản tóm tắt về các quan chức an ninh và tình báo Syria phạm tội ác và 7 trong số họ trực tiếp liên quan đến ông Assad.
Những bằng chứng được cho là vết đen của chính quyền Damascus được các đối thủ củng cố, luận tội Assad và các cộng sự của ông |
Theo The New York Times, ông Wiley phải nói qua Skype từ văn phòng tại một thành phố ở châu Âu bởi tổ chức của ông phải giữ bí mật vì sợ thành mục tiêu của chính quyền Syria.
Giám đốc CIJA cho rằng: "Tổng thống Assad nổi bật trong các hồ sơ vụ án. Nhiều đơn vị, cá nhân của tình báo quân sự và an ninh chế độ Assad có mặt trong một hoặc nhiều tóm tắt truy tố".
Các nhà điều tra của CIA cho rằng số lượng lớn nhất các vi phạm đã được người đứng đầu chính quyền Syria và các cộng sự là liên quan đến việc sử dụng công cụ của thiết chế vào việc trấn áp đối lập, phản kháng, bao gồm lực lượng quân đội, an ninh và mạng lưới các nhà tù. Chính phủ Syria lý giải hành động là nhằm phá vỡ âm mưu phá hoại đất nước Syria.
Thứ hai : Thời kỳ lực lượng nổi dậy chống chính phủ
Theo The New York Times, cuộc nổi dậy tại Syria bắt đầu bằng việc chính quyền Damascus thực hiện việc giam giữ và tra tấn vào tháng 3/2011, với hàng chục người đàn ông bị bắt sau khi một trong số họ viết trên tường khẩu hiệu: "Đến lượt ngài đó, Bác sĩ ạ", ngụ ý ông Assad, bác sĩ nhãn khoa, sẽ là lãnh đạo tiếp theo phải rời quyền lực bởi làn gió của Mùa xuân Ả Rập.
Họ đã bị bắt, bị đánh đập, tra tấn và bắt buộc ký nhận tội, theo The Times. Khi các cuộc biểu tình lan rộng, việc bắt giữ đã diễn ra bừa bãi.
Chính quyền Syria đã có một mạng lưới các trại giam với tài liệu, nơi và công cụ tra tấn nhằm ép cung, buộc tội. Hàng ngàn người đã bị hành hình chỉ trong một cơ sở tại nhà tù Saydnaya, gần Damascus, theo Tổ chức Ân Xá Quốc tế.
“Yahya và Ma'an Sharbaji, hai anh em, đã bị bắt cùng một người bạn, Ghiath Matar, vào tháng 9/2011, sau khi dẫn đầu các cuộc biểu tình ở Daraya, một khu ngoại ô Damascus.
Thân thể của Matar sau đó đã được trả lại cho gia đình với những dấu hiệu bị tra tấn, còn người anh em Sharbaji thì không được nhìn thấy kể từ đó”, The New York Times đưa ra một trường hợp.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ là một trong những nơi cung cấp chứng cứ luận tội Tổng thống Assad nhiều nhất. |
Hay một trường hợp khác: “Tháng 9/2012, Abdelaziz al-Khair, một người bất đồng chính kiến cánh tả, đã biến mất cùng với người con, Maher Tahan, khi rời sân bay Damascus để ra nước ngoài tham gia một cuộc họp của phe đối lập. Gia đình đã liên tục đấu tranh để biết được chồng con của họ còn bị giam giữ hay đã biến mất”.
Theo các tổ chức nhân quyền thì việc bắt giữ, tra tấn đã phổ biến tại Syria khi lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền Damascus. Đó là nguyên nhân buộc Tổng thống Assad phải huỷ bỏ thiết quân luật, song dường như mọi việc đã quá muộn và cuối cùng cuộc nội chiến tại Syria đã bùng phát, đưa chính quyền Assad vào thế nguy hiểm khi phải mặt đối mặt với quá nhiều kẻ thù.
Thứ ba : Thời kỳ nội chiến bùng phát
Đến năm 2013, cuộc nội chiến bùng phát tại Syria bắt đầu bằng các vụ đánh bom vào các thành phố có lực lượng nổi dậy làm loạn. Hàng trăm video cho thấy xác của những thường dân bị cắt nát, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, được kéo ra từ đống đổ nát được cho là chứng cứ rõ ràng nhất cho tội ác chiến tranh mà chính quyền Damascus đã phạm phải.
“Theo báo cáo của LHQ, hàng ngàn người Syria sống sót trong các cuộc bao vây của chính phủ đã bị từ chối nhiều lần để được cung cấp thực phẩm và thuốc men. Các cuộc tấn công hóa học năm 2013, giết chết hơn 1.400 người ở ngoại ô Damascus, ở khu vực bị bao vây Moadhamiyeh, khiến việc chữa trị cho các nạn nhân trở nên khó khăn hơn”, The New York Times tường thuật.
Nội chiến bùng phát khiến chính quyền Syria mất khả năng kiểm soát đất nước, các đối thủ có thêm nhiều chứng cứ chống lại ông Assad |
Theo tờ báo của Mỹ, trong một báo cáo của Ủy ban Nhân quyền LHQ, đã trích lời một sĩ quan tình báo Syria đào tẩu cho biết các sĩ quan Syria đã được lệnh bắt những người biểu tình ở độ tuổi từ 16 đến 40. Một sĩ quan đào thoát khác đã mô tả cách ông được huấn luyện về những kỹ thuật đánh đập, tra tấn những người bị giam giữ.
“Để củng cố sự vững chắc cho những chứng cứ, một sĩ quan cảnh sát Syria đảo thoát tên là Caesar đã cung cấp hơn 50.000 bức ảnh, ghi lại hình ảnh như các vụ bắt cóc năm 2013. Trong các bức ảnh ghi lại hình ảnh các tử tù và việc hành hình hàng ngàn người bị giam trong các cơ sở an ninh của chính quyền Assad”, theo The New York Times.
Ông Sareta Ashraph, cựu chuyên gia phân tích của Ủy ban Nhân quyền LHQ, cho biết hiếm khi gặp một gia đình tị nạn người Syria không có một thành viên bị giam giữ hoặc biến mất và còn hiếm hơn để tìm một cựu tù nhân Syria chưa bị tra tấn. Theo ông Ashraph, sáu năm của cuộc chiến Syria, núi tài liệu về vấn đề nhân quyền nhiều hơn bất kỳ cuộc xung đột nào trên thế giới.
Thứ tư : Sự kiện Idlib
Theo The New York Times, cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Idlib chỉ là sự tàn bạo gần đây nhất của ông Assad, sau nhiều năm bắt bớ, tra tấn, thực hiện chiến tranh bao vây và tấn công bừa bãi vào các khu dân cư và bệnh viện. Bạo lực sẽ tiếp tục chừng nào mà ông Assad và bộ máy an ninh của ông vẫn còn, như lời nói từ những kẻ thù của ông Assad.
“Trong những ngày trước cuộc tấn công bằng vũ khi hóa học hồi đầu tháng này, bệnh viện chính trong khu vực đã bị trúng đòn không kích và một bệnh viện khác cách vài dặm về phía Nam đã bị tấn công bởi chất độc hóa học, trong khi chính phủ Syria đã cam kết từ bỏ vũ khí hóa học nó từ năm 2014”.
Hình ảnh đau lòng trong cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học được các đối thủ xem là phương tiện cuối cùng hạ nốc ao ông Assad, cho dù chính quyền Syria chưa hẳn là tác nhân |
Cũng theo tờ báo Mỹ, “sự kiện idlib” đã chứng minh cho những gì mà một bài báo gần đây của The Lancet và Đại học Hoa Kỳ ở Beirut khi dùng cụm từ "vũ khí hoá học chăm sóc sức khoẻ" để chỉ việc bắt giữ các bác sĩ và các cuộc tấn công có hệ thống vào các cơ sở y tế. Theo nghiên cứu của các bác sĩ về nhân quyền, gần 800 nhân viên y tế đã bị giết, mà hơn hơn 90% là bởi bom đạn của chính phủ Syria.
Chính vì vậy, một số quốc gia đã báo hiệu sẵn sàng thúc đẩy việc đưa ông Assad ra đối mặt với luật pháp và đó là cách nhanh nhất để chấm dứt chiến tranh, khuyến khích người tị nạn Syria trở về nhà và đẩy mạnh cuộc chiến chống lại các phần tử khủng bố. Họ cho rằng khi ông Assad còn ngồi ghế lãnh đạo đất nước, Syria sẽ ngày càng tồi tệ.
Song “Syria không tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì vậy không thể truy tố và xét xử Assad và những cộng sự bởi một phiên toà của ICC. Hội đồng Bảo an LHQ có thể thúc đẩy đưa vụ việc ra tòa, nhưng Nga lại nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết của mình nhằm che chở cho Syria”, theo The New York Times.
Vậy phương Tây phải làm cách nào để đưa Tổng thống Assad ra toà và liệu họ có thành công? Người viết xin đề cập ở phần tiếp theo.
Theo Đất Việt