|
Tổng thống Donald Trump về bang Florida nghỉ cuối tuần - Ảnh: Reuters |
Các đồng minh châu Á của Mỹ có thể không vui trước tin này nhưng ông Trump dường như đang cho rằng Trung Quốc có nhiều thứ để “đổi chác” với Mỹ hơn Nga.
Đối với nhà lãnh đạo xuất thân doanh nhân như ông Trump, cách tiếp cận mang tính giao dịch trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc sẽ phù hợp hơn để đạt được các mục tiêu kinh tế ông mong muốn.
Xưa nay, cả Nga và Trung Quốc đều muốn xây dựng quan hệ với Mỹ trên nguyên tắc tôn trọng khu vực ảnh hưởng và không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau.
Nhưng giữa Nga và Mỹ xuất hiện một số rào cản, theo các nhà quan sát: Nga bị cáo buộc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ và Tây Âu; Nga cam kết bảo vệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Mỹ cam kết trả đũa quân sự nếu tái diễn tấn công vũ khí hóa học; ông Putin và ông Trump đều mang khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc, dễ xảy ra va chạm...
“Mỹ chưa nhận được đền đáp từ Trung Quốc. Câu hỏi là, nếu Trung Quốc không cho ông Trump thứ ông ấy muốn, chuyện gì sẽ xảy ra?". Ông Evan Medeiros (cố vấn cao cấp về châu Á thời Tổng thống Barack Obama) |
Thời còn tranh cử, ông Trump không tiếc lời khen ngợi Tổng thống Putin và chỉ trích những người ghét Nga là “ngu ngốc”. “Thẳng thắn mà nói, nếu chúng ta hợp tác với Nga đánh bại IS, đó là điều tốt, không phải xấu” - đây là những gì ông Trump nói vào tháng 10 năm ngoái.
Còn thông điệp hôm 12-4 ngược lại hoàn toàn: “Chúng ta không hòa hợp với Nga chút nào. Quan hệ hai nước có thể đang thấp nhất từ trước đến nay”.
Đáng chú ý là khi nói câu này ông Trump đang họp báo chung với tổng thư ký NATO - liên minh quân sự từng bị ông chê tơi tả, gắn mác “lỗi thời” cách đây không lâu.
Màn “bẻ cua” hẳn làm không ít khán giả mỏi cổ, dù ai cũng biết tính cách khó đoán và khả năng xoay chuyển tùy theo hoàn cảnh của nhà lãnh đạo Mỹ (một ngày sau, ông Trump viết tiếp trên Twitter: Quan hệ Nga - Mỹ rồi sẽ ổn thôi.
Đến thời điểm, mọi người sẽ tự nhận ra và nền hòa bình lâu dài sẽ tiếp nối!).
Trong khi Matxcơva đang vò đầu diễn giải các tín hiệu chính sách lộn xộn từ Washington, ông Trump lại chìa cánh tay ra với Trung Quốc qua cuộc tiếp đón long trọng Chủ tịch Tập Cận Bình ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago vào tối 6-4 và trong ngày 7-4.
Sau khi ông Tập ra về (cùng một ngạc nhiên lớn là “59 quả tên lửa Tomahawk bổ xuống Syria”), ông Trump ca ngợi nhà lãnh đạo Trung Quốc là “tuyệt vời” và “rất đặc biệt”.
Nhưng thái độ thân ái mà ông Trump thể hiện chắc không phải vô điều kiện. Bán đảo Triều Tiên đang sôi sục trước khả năng Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân và chỉ có Trung Quốc, đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng, mới đủ sức ngăn điều này xảy ra.
“Tôi cho rằng Trung Quốc đã cố hết sức trong vấn đề Triều Tiên” - tổng thống Mỹ lật ngược những chỉ trích Trung Quốc trước đó. Có lẽ không phải tình cờ mà ông Trump tuyên bố sẽ không gắn mác “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc nữa. Một sự trao đổi?
Theo giới quan sát, mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc có thể “phấn khởi” bởi mối quan tâm sâu sắc Mỹ dành cho vấn đề Triều Tiên, chủ trương hòa hoãn với Bắc Kinh lại không nằm trong mong đợi.
Từ thời tổng thống Barack Obama, Mỹ giữ vai trò đối trọng với tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở châu Á và duy trì cán cân này là thật sự cần thiết.
Tuy nhiên, vẫn còn sớm để kết luận điều gì vì đây là nước Mỹ trong kỷ nguyên Donald Trump.
Truyền thông Trung Quốc chọc ông Trump “tự vả vào mặt” Thái độ thay đổi 180 độ của Tổng thống Donald Trump những ngày qua đang trở thành chủ đề châm biếm của báo chí Trung Quốc. Ông Trump đã dành nhiều năm lên án chính sách giao thương, tiền tệ của Bắc Kinh và biến chủ đề này thành một trong những cam kết tranh cử. Nhưng chỉ trong một ngày đẹp trời của tuần vừa rồi, cái mác “thao túng tiền tệ” ông Trump hứa dành cho Trung Quốc bỗng bị gió thổi bay mất. Đây là lần thứ hai ông Trump “trở cờ” nếu tính luôn lần ông đứng ra thách thức chính sách “một Trung Quốc” bằng cách gọi điện cho nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngay sau khi thắng cử. Chẳng vì vậy mà một tờ báo Trung Quốc châm chọc: “Trump lại tự vả vào mặt thêm một lần nữa”, một tờ khác giật: “Tự nuốt những lời mình thốt ra!”. Tờ New York Times của Mỹ bình luận tuy ông tổng thống đã tránh được một trận đối đầu, nhưng ông cũng để lại một ấn tượng lâu dài trong mắt người Trung Quốc là “hô hào lớn nhưng đến phút chót lại rút lui”. “Ông Trump đã thua trận đầu với ông Tập và ông ấy sẽ bị dân Trung Quốc coi như một con hổ giấy” - giáo sư Shi Yinhong thuộc Đại học Renmin (Bắc Kinh) nhận xét. |
Theo TTO