'Hố tử thần' dưới sông Hậu: Đồng bằng sông Cửu Long đang bị đe dọa

Thứ năm, 27/04/2017, 08:18
Các chuyên gia nhận định, hố xoáy sâu nhấn chìm nhiều nhà dân ở An Giang có thể do "vận động kiến tạo địa chất" kết hợp với nạo vét luồng lạch, khai thác cát thiếu quy hoạch.
Bi kịch của 92 hộ dân có nhà mắc kẹt bên 'hố tử thần' dưới sông Hậu. "Thà nó bị cuốn mất, chứ nhà còn đó mà giờ chỉ biết ngồi nhìn, chờ nó sụp xuống sông thì đau lắm", đó là tâm trạng của 92 hộ dân di tản ra khỏi nhà có nguy cơ bị "hố tử thần" nuốt.

Tình hình sạt lở tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, diễn biến khá phức tạp khi xuất hiện vết nứt mới dài 200m cách điểm sạt lở hôm 20/4 khoảng 10km.

Theo kết luận của Trung tâm quan trắc - Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, "hố tử thần" nuốt 16 căn nhà (ở ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) cách bờ 180m, có chiều dài 380m, ngang 120m, độ sâu 42m. Vị trí này là điểm hợp lưu giữa sông Vàm Nao và sông Hậu nên tạo các dòng chảy rất mạnh, khả năng sạt lở vẫn còn tiếp tục xảy ra.

Vận động kiến tạo của vỏ trái đất?

Trao đổi với Zing.vn, Phó giáo sư, Tiến sĩ Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng Việt Nam, phân tích "hố tử thần" xuất hiện gây sập nhiều nhà dân trên dòng sông Hậu ở tỉnh An Giang nhiều khả năng do vận động kiến tạo.

"Hố xoáy dài 380m, ngang 120m, độ sâu 42m tạo 'hố tử thần' lớn như vậy là bất thường. Hố càng sâu thì dòng chảy càng xoáy nhanh hơn, thúc đẩy hoạt động mạnh hơn, càng gây ra sức tàn phá lớn cho khu vực ven bờ sông", ông Triều nói.

Vị chuyên gia cho rằng, hiện tượng này có thể là sự vận động của vỏ trái đất, do hoạt động của nội lực dưới, tác dụng vận chuyển của dòng chảy đối lưu tạo nên các chuyển động thứ sinh: Vận động thăng trầm, uốn nếp, đứt gãy. Vận động kiến tạo có một số hoạt động dịch chuyển mảng kiến tạo, hoạt động đứt gãy, tách giãn, nâng hạ.

"Hoạt động này làm thay đổi dòng chảy chính, tác động mạnh vào những đoạn cong dòng sông đi qua vùng địa chất yếu, tạo nên vực xoáy sâu. Dòng chảy xiết đổ liên tục về vực xoáy, đẩy cát ra khỏi hố mở hàm ếch gây ra hiện tượng sụt lún, xói lở, cuốn trôi nhiều nhà dân ven bờ sông", ông Triều phân tích.

Một đoạn sông Hậu bị sạt lở tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang. Ảnh: Minh Anh.

Phó giáo sư Triều cho biết thêm, từ xa xưa, các dòng sông đều có sự dịch chuyển tạo nên hiện tượng "bên lở, bên bồi". Dòng chảy càng 'lắt léo" bao nhiêu thì bờ sông bị tàn phá dữ dội bấy nhiêu, nguy hiểm nhất là mùa mưa lũ. Về nguyên lý, vận động kiến tạo dòng sông bên nào địa chất nâng lên thì dòng chảy dồn về "vùng trũng" phía hạ xuống, tạo nên vực xoáy sâu nguy hiểm.

Bên cạnh tác động của thiên nhiên, việc nạo vét luồng lạch không chuẩn hay khai thác cát tràn lan, thiếu quy hoạch gây thay đổi dòng chảy chính của con sông, cũng dễ tạo nên hố sâu nguy hiểm, uy hiếp các khu dân cư ven bờ.

"Trước mắt, cơ quan chức năng cần đo đạc phạm vi hố sâu, tính toán di dời khẩn cấp, đảm bảo an toàn tính mạng người dân khu vực này. Về lâu dài, địa phương cần tính toán nắn dòng từ phía đầu nguồn, xử lý hố xoáy sâu phối hợp với xây kè thì mới xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở bờ sông nơi đây", vị chuyên gia khuyến cáo.

Thủy điện và khai thác cát tràn lan dẫn đến sạt lở

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho hay quá trình nghiên cứu các nhà khoa học đã ghi nhận hiện nay, hầu hết dòng sông ở Đồng bằng sông Cửu Long đang “đói" trầm tích/phù sa.

"Nhiều đập thủy điện chặn dòng chảy ở đầu nguồn, nạn khai thác cát tràn lan, hàng loạt khu đô thị mọc lên trên nền đất yếu ven sông, làm thay đổi địa hình, địa mạo, gây mất cân bằng động lực học dòng sông. Điều này làm gia tăng xói lở, đe dọa cuộc sống người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hố xoáy sâu bất thường xuất hiện trên sông Hậu (An Giang) là một ví dụ", ông Tứ cho hay.

Theo ông Tứ, hiện nay sông Mê Kông và khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, tổng chiều dài hơn 450 km. Hầu hết bờ biển của Đồng bằng sông Cửu Long đều bị xói lở với nhiều mức độ khác nhau, trung bình mỗi năm sạt lở đến 500ha đất của vùng, với tốc độ sạt lở dọc theo bờ biển lên đến 30 đến 40m mỗi năm.

Tình trạng khai thác cát tràn lan, thiếu quy hoạch,  gây thay đổi dòng chảy chính của con sông. Ảnh: Minh Anh.

Vị chuyên gia này cho rằng, giảm nguồn cấp trầm tích sẽ làm tăng xói mòn ven sông, ven biển. Quá trình này có thể còn nghiêm trọng hơn do nước biển dâng dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Dự báo đến năm 2050, khoảng một triệu người sẽ bị tác động trực tiếp bởi xói lở ven bờ và mất đất ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nghiên cứu của PGS-TS Đinh Công Sản, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), về "Hiện trạng quản lý và khai thác cát các dòng sông ở Đồng bằng sông Cửu Long", chỉ ra khối lượng khai thác cát hàng năm trên sông Cửu Long lên đến hơn 28 triệu m3. Hàng năm lượng bùn cát đọng lại trên sông Mekong từ trạm Kratie (Campuchia) trở ra biển (10-15%) chỉ khoảng 12 đến 18 triệu m3. …

"Khai thác cát trên sông Cửu Long hàng năm khoảng 28 triệu m3 là gấp hai lần khối lượng từ trạm Kratie đổ về, gây thiếu hụt lớn nguồn trầm tích. Việc khai thác cát không đúng kỹ thuật đã gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, cản trở giao thông thủy, cản trở thoát lũ, gây ô nhiễm môi trường nước và làm suy thoái hệ sinh thái thủy sinh khu vực này", công trình nghiên cứu của ông Sản nêu.

Các chuyên gia cho rằng, để hình thành nên Đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay, quá trình bồi lắng phù sa phải diễn ra trong khoảng từ 4.000 – 6.000 năm. Việc ngăn dòng làm thủy điện ồ ạt phía thượng nguồn, các đập thủy điện đã giữ lại trên 50% lượng phù sa, và khi hệ thống các đập thủy điện này đi vào hoạt động, sẽ giữ lại khoảng 90% lượng phù sa tự nhiên bồi đắp về vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với việc khai thác cát không kiểm soát đang diễn ra, hệ thống đập thủy điện sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng xói lở hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về môi trường, hiện nay trên dòng sông Mê Kông các nước đang ráo riết xây đập thủy điện, khiến lượng phù sa đổ về khu vực này sẽ bị giảm mạnh giai đoạn này khoảng 50%. Trong khi đó, nguồn nước sông không đổ về mạnh, khiến biển xâm thực và Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ biến mất chỉ trong vòng 100 năm tới.

Theo Zing

Các tin cũ hơn