Chỉ là lời hăm dọa
Ngày 6/4, chỉ một ngày trước khi Mỹ phóng 59 quả tên lửa vào Syria, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố rằng Bashar al-Assad sẽ “không có vai trò gì” trong việc “cai trị người dân Syria”. Phát biểu tại Moscow 5 ngày sau đó, ông Tillerson tự tin tuyên bố “triều đại” Assad sắp kết thúc.
Đây là sự thay đổi đột ngột trong chính sách của Mỹ đối với Syria bởi chỉ vài tuần trước, Washington còn đánh tiếng rằng sẽ chấp nhận vai trò của Tổng thống Assad.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Trump đã lập luận rằng Mỹ cần các nhà kỹ trị Trung Đông giữ trật tự ở Trung Đông và không nên cho phép những cân nhắc nhân quyền ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Moscow hôm 12/4 |
Phải chăng Mỹ đã tìm ra bí mật để hạ gục cả Syria và Nga, lực lượng vừa giành được những chiến thắng quân sự lớn và dường như đang tái củng cố quyền lực của mình?
Tờ National Interest của Mỹ cho rằng chính quyền Donald Trump không hề có thứ vũ khí bí mật nào. Những phát biểu kiểu như của Ngoại trưởng Tillerson cùng lắm cũng chỉ là hăm dọa. Mỹ không thể thuyết phục Nga từ bỏ dự án chính sách đối ngoại mà họ đang vô cùng chú tâm.
Không thể đảo ngược
Kể từ khi Nga bắt đầu can thiệp vào tháng 9/2015, các lực lượng của Tổng thống Assad đã dần dần thắng thế. Quân đội chính phủ đã chịu nhiều thiệt hại khi phải đối mặt với một cuộc phản công của quân nổi dậy ở Aleppo mùa Hè năm 2016 và một cuộc phản công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Palmyra.
Tuy nhiên, sự sụp đổ mới đây của thành trì nổi dậy ở Đông Aleppo đã đánh dấu một chiến thắng mang tính quyết định đối với chính phủ Syria. Quân đội Syria cũng đã củng cố các tuyến đường tiếp tế, không còn nhiều tiền đồn cô lập dễ bị giành giật hơn so với vài năm trước.
Với sự hỗ trợ của Nga và Iran, quân đội Syria giành nhiều thắng lợi quan trọng |
Tuy vậy, giới phân tích Mỹ cũng chỉ ra rằng quân đội Syria đang ở trong tình trạng tồi tệ sau 6 năm chiến đấu liên tục, giờ chỉ còn là một cái bóng của chính mình trước đây. Chính phủ Syria hiện dựa nhiều vào một lực lượng “chắp vá” gồm Lực lượng phòng vệ quốc gia (các dân quân ủng hộ chính phủ), các chiến binh Hezbollah, những đội quân riêng do các đồng minh kinh doanh tài trợ, quân tình nguyện Shiite Iraq và quân đội Iran cũng như Nga.
Trong khi đó, phe đối lập ở Syria đã hứng chịu một số thất bại nặng nề. Quân nổi dậy ở Aleppo đã chỉ còn một vùng biệt lập tập trung ở tỉnh Idlib, vẫn đang bị chính phủ pháo kích liên tục. Tháng 12/2015, những lính phòng thủ cuối cùng của thành trì quân nổi dậy ở Homs đã được phép rút đi trong một lệnh ngừng bắn. Bên cạnh Idlib, vẫn còn những vùng lãnh thổ do phe đối lập nắm giữ phía Bắc Homs, biên giới phía Nam và dọc tuyến đường Ghouta ở Đông Damascus.
Với việc lãnh thổ của họ bị phân mảnh và không có sự can thiệp nước ngoài rõ ràng nào để thay đổi cuộc chơi trước mắt, khó có thể thấy làm cách nào các nhóm nổi dậy có thể đảo ngược tình hình.
Máy bay chiến đấu của Nga tại Syria |
Các nhóm đối lập Syria được nhìn nhận là ngày càng trở nên cực đoan, đặc biệt là những nhóm nhận được viện trợ hào phóng hơn từ các chính phủ Trung Đông. Hiện nay, phe lớn nhất là liên minh Tahrir al-Sham, với cốt lõi là nhóm liên kết với Al Qaeda trước đây có tên Nusra.
Sau khi nỗ lực của Chính quyền Obama nhằm huấn luyện và vũ trang quân nổi dậy Syria “ôn hòa” thất bại thảm hại, rõ ràng là việc bơm vũ khí hạng nặng vào sẽ không thay đổi được tình hình ở Syria. Nếu lật đổ Assad, Mỹ có thể sẽ phải hành động để ngăn chặn các nhóm nổi dậy không hệ “ôn hòa” ở Syria.
Ảo tưởng của người Mỹ
Tờ National Interest nhắc nhở rằng nhiều nhà quan sát quên rằng Iran và Hezbollah đã đưa hàng nghìn lính đến tham chiến ở Syria trước cả Nga. Trong khi sự can thiệp của họ không đủ để họ thắng trận, chắc chắn nó đã ngăn chặn được sự sụp đổ của chế độ Assad.
Những người điều hành lực lượng Vệ binh cách mạng Iran và những tay súng bán quân sự Basij tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo và huấn luyện các lực lượng chiến đấu nhân danh Chính phủ Syria.
Các tay súng nổi dậy tại Aleppo, Syria hồi tháng 11/2012 |
Moscow và Tehran phần lớn đang hợp tác trong các chiến dịch ở Syria dù có lợi ích không giống nhau. Moscow có thể có một thái độ thực tế đối với việc cắt nhiều phần của Syria cho phe nổi dậy kiểm soát để bảo đảm Assad vẫn nắm quyền, trong khi Iran có lập trường tối đa hóa đối với việc khẳng định chủ quyền Syria và có thể coi Assad là loại bỏ được.
Người Mỹ cho rằng Chính phủ Syria đã bị chia rẽ nội bộ về việc theo phe nào, và có tin đồn là nỗ lực đảo chính của Iran đã bị phe Nga ngăn cản hồi tháng 1.
Nga sẽ không từ bỏ việc duy trì một chính phủ thân thiện ở Damascus nhằm đảm bảo an toàn cho các căn cứ của họ ở Syria, một chiến thắng quân sự mang tính biểu tượng trên trường quốc tế.
Trên thực tế, mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với quyền lực của ông Assad có thể là một cuộc đảo chính do một quan chức chế độ đạo diễn, người tin rằng mình có thể là lựa chọn thay thế chấp nhận được về chính trị cho Assad trong khi vẫn giữ được quan hệ tốt đẹp với cả hai nhà bảo trợ của Syria.
Dù trong trường hợp nào, Mỹ cũng khó gây sức ép đối với Syria nếu không nhờ đến can thiệp quân sự sâu hơn vốn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Những khẳng định như của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson ám chỉ khả năng sẽ dễ dàng lật đổ Tổng thống Assad là xa rời thực tế một cách kỳ lạ.
Theo Đất Việt