Sạt lở nghiêm trọng: An Giang phủ nhận nguyên nhân do "cát tặc"

Thứ tư, 26/04/2017, 11:33
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, Giám đốc Sở TN-MT An giang cho biết, vụ việc sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới vào ngày 22/4 hoàn toàn là do thiên tai, không liên quan đến việc khai thác cát.

Về vụ sạt lở bờ sông Vàm Nao, Sở TN-MT An Giang báo cáo, sự việc xảy ra 22/4 tại khu dân cư sống tập trung thuộc tổ 12, ấp Mỹ Hôi, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; làm 14 căn nhà và 2 nền nhà bị nhấn chìm; chiều dài đoạn sạt lở khoảng 70m, lấn sâu vào bờ trên 35m và cắt đứt đường giao thông liên xã. Hiện có 90 căn nhà có nguy cơ tiếp tục bị nhấn chìm; thiệt hại ban đầu khoảng 9 tỷ đồng. Đã di dời 107 hộ và 1 nhà máy ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Sáng ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo địa phương tỉnh An Giang đến khảo sát khu vực sản lở nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã Mỹ Hội Đông.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang Trần Đặng Đức cho biết nguyên nhân vụ sạt lở hoàn toàn là do thiên tai bởi khu vực này không hề có việc khai thác cát. Ông Đức kiến nghị Bộ TN-MT sớm khảo sát, đánh giá, nghiên cứu sâu, tổng thể về chế độ dòng chảy của sông Tiền và sông Hậu, quy luật thủy văn… nhằm tìm nguyên nhân gây sạt lở để có biện pháp khắc phục.

Tại buổi làm việc, tỉnh An Giang kiến nghị Bộ TN-MT đề xuất Chính phủ có chính sách về nhà ở để hỗ trợ di dời cho 20.000 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông trong 5 năm tới. Trước mắt kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí xử lý ngay các vấn đề khó khăn tại các nơi xảy ra sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua.

Bộ trưởng Hà cho rằng giải pháp xây kè tại khu vực sạt lở là không hiệu quả.

Theo ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang, trong các năm gần đây trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông. Cụ thể trong năm 2015 xảy ra 20 vụ; năm 2016 xảy ra 18 vụ, thiệt hại 142 căn nhà và nhiều tài sản khác; ước tính mỗi năm thiệt hại do sạt lở hơn 100 tỷ đồng.

Tỉnh An Giang hiện có 51 đoạn sông cảnh báo có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài 162km trên tổng số 400km đường bờ sông của tỉnh (chiếm 40%). Trong 162 km cảnh báo có 15 đoạn dài khoảng 30km nằm trong dạng nguy hiểm, có khả năng sạt lở cao, uy hiếp khoảng hơn 20.000 hộ dân.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đại diện đoàn công tác thăm hỏi và tặng quà hỗ trợ 14 hộ dân có nhà bị sạt xuống sông.

Bộ Trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh An Giang trong công tác dự báo và di dời nhanh chóng, kịp thời nhân dân trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người. Bộ trưởng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn với người dân vùng sạt lở, đồng thời tặng mỗi hộ dân 1 phần quà, trong đó tiền mặt là 5 triệu đồng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tua có 6 nhân khẩu, từ khi chính quyền địa phương buộc di dời, gia đình bà phải đến chùa Liên Hoa Tự tá túc cho đến nay

Vấn đề trước mắt, Bộ Trưởng Hà nói, chính là cuộc sống của người dân. Nhà nước, xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sạt lở sớm ổn định cuộc sống. Phía chính quyền cần sớm có nghiên cứu và hoàn thành đánh giá về hiện tượng sụt lún do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó có những giải pháp cụ thể. Riêng đối với giải pháp làm kè, Bộ trưởng cho rằng đó là giải pháp cứng, không hiệu quả trong khu vực này.

Bộ trưởng TN-MT nói, cần triển khai thực hiện các giải pháp mềm như: điều chỉnh quy hoạch tại các khu dân cư để tránh vùng nguy hiểm; hạn chế tối đa, tránh những khai thác tác động trái với quy luật tự nhiên; cân bằng lại dòng chảy hạn chế tối đá mức ảnh hưởng của tự nhiên; phân các khu vực có mức độ nguy hiểm khác nhau, nguyên nhân khác nhau từ đó đề ra giải pháp cụ thể.

Về những kiến nghị của tỉnh An Giang, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Bộ TN-MT sẽ trình Chính phủ sớm triển khai giai đoạn 2 chương trình nhà ở vượt lũ để giải quyết nhu cầu cấp bách hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng. Đây là vấn đề cấp bách nhằm di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn, giúp bà con ổn định cuộc sống.

Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn huyện Chợ Mới hiện nay có 5 đơn vị khai thác cát. Thực tế tại khu vực sạt lở không có khai thác cát, tuy nhiên từ bến đò Chùa chạy về hạ nguồn khoảng vài kilomet có 2 chiếc xáng cạp khai thác cát đang hoạt động.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn