Giải mã người trẻ sao khoái nhậu - Kỳ 3: Thức tỉnh sau những cơn say

Thứ tư, 26/04/2017, 16:55
Sau thời gian chìm đắm trong men say với những cuộc nhậu liên miên, làm suy sụp tinh thần lẫn thể chất, nhiều sinh viên đã nhận ra sai lầm và vực dậy, hạn chế nhậu, thay đổi quan điểm sống tích cực hơn.  

Đắm chìm trong những cơn say triền miên, nhiều bạn trẻ đã thức tỉnh, bỏ nhậu và dành thời gian, tiền bạc vào những công việc có ích hơn

Không ít người, nhất là sinh viên đã tích cực thay đổi lối sống khi nhận ra sai lầm ăn nhậu bê tha khiến mọi thứ phải đảo lộn hoàn toàn. Họ thay đổi lối sống theo hướng tích cực hơn...

Bỏ nhậu vì... nôn ra máu

Kể về lần nhậu được xem là kinh hoàng từ trước đến nay, Hoàng Văn Tuấn, sinh viên năm 4 trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ, cách đây một năm, có người bạn thân học cùng lớp lên người quen ở Q.Bình Thạnh chơi và xin được một hũ rượu cần hết hạn một năm đem về. Lúc khui hũ rượu ra thì thấy mọi thứ trong đó vẫn còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu mốc meo, mùi rượu vẫn "bốc".

Ngay tối hôm đó, Tuấn rủ thêm 7 người bạn tập trung về phòng trọ của mình bắt đầu chế nước vào, uống đến đâu châm nước đến đó. Khi uống vào, rượu có vị nồng, ngọt và rất thơm, bạn bè và Tuấn xoay vòng ngậm hút liên tục, trầm trồ khen ngon.
Lúc rượu nhạt đi thì ai nấy cũng đều ngà say, mỗi người một hướng về phòng ngủ. Khoảng hơn 30 phút sau, rượu ngấm vào khiến Tuấn đau đầu dữ dội và bắt đầu đêm kinh hoàng với những trận nôn ra máu, điều mà trước đây chưa từng xảy ra.
Vì quá mệt, Tuấn phải nằm ở phòng trọ liên tiếp hai ngày, sau đó ra trung tâm y tế truyền 2 bình nước, không thể lên giảng đường.
Trong lúc bệnh tật, Tuấn mới ngộ ra rằng, thời gian qua những cuộc nhậu đã lấy đi của Tuấn quá nhiều thứ như thời gian, sức khỏe, học hành liên tiếp bị rớt môn trong khi bạn bè khác cùng trang lứa không nhậu và đang học tập tốt mỗi ngày. Tuấn bỏ nhậu ngay từ đó.
Theo bác sĩ, nhậu rượu bia nhiều có thể dẫn đến một số căn bệnh ung thư nguy hiểm
“Nhậu tốn rất nhiều tiền, mỗi lần uống xong bạn bè không chịu dừng hẳn mà rủ nhau tiếp tục đi hát karaoke tăng 2. Mỗi khi nhậu vào là nguyên một ngày tiếp theo không làm được gì cả, mệt và đau đầu chịu không nổi nên mình quyết định bỏ nhậu dù bạn bè có rủ cách gì đi nữa. Mình đã đăng lên Facebook thông báo bệnh tật không uống được rượu bia. Có một số bạn vào trách móc và chê yếu nhưng mình sẽ kiên định lập trường không uống từ nay đến khi tốt nghiệp”, Tuấn trải lòng.
Quá xui xẻo
Hưng kể một lần nhậu say về, trộm cạy cửa vào phòng cậu lấy toàn bộ tài sản là chiếc laptop, điện thoại cùng 5 triệu đồng sắp nộp học phí và giấy tờ tùy thân mà không hay biết. Cũng một lần khác, trong lúc đi nhậu thịt chó về, Tuấn bị té xe máy gãy tay trái, phải bảo lưu học tập nghỉ dưỡng bệnh gần 1 năm. Đến lúc quay lại học thì bạn bè đều chuẩn bị ra trường, Tuấn lại cắp sách vở lên giảng đường hằng ngày. Nghe lời khuyên từ gia đình, Tuấn cũng bỏ nhậu từ đó.
Còn Nguyễn Quốc Hưng (23 tuổi, quê Đồng Nai), sinh viên trường đại học Thể dục thể thao TP.HCM, cũng bỏ nhậu sau những điều xui xẻo đến thường xuyên. Hưng chia sẻ bản thân đã biết nhậu từ những năm 16 tuổi.
Thời đó, tối tối anh em trong xóm rủ nhau ra vườn cao su ngồi chơi và uống rượu với cá khô nên Hưng cũng tập uống theo. Hưng cũng hay nhậu với bố một vài ly lúc ăn cơm nên "ghiền" mùi rượu đế lúc nào không hay.
Lên đại học, Hưng cũng giữ thói quen đó, và càng nhậu tưng bừng khi có tiệc sinh nhật, dịp cuối tuần hay đá bóng... Tuy nhiên, cũng chính các cuộc nhậu đã khiến Hưng gặp quá nhiều xui xẻo.
Hưng kể một lần nhậu say về, trộm cạy cửa vào phòng cậu lấy toàn bộ tài sản là chiếc laptop, điện thoại cùng 5 triệu đồng sắp nộp học phí và giấy tờ tùy thân mà không hay biết. Cũng một lần khác, trong lúc đi nhậu thịt chó về, Tuấn bị té xe máy gãy tay trái, phải bảo lưu học tập nghỉ dưỡng bệnh gần 1 năm.
Đến lúc quay lại học thì bạn bè đều chuẩn bị ra trường, Tuấn lại cắp sách vở lên giảng đường hằng ngày. Nghe lời khuyên từ gia đình, Tuấn cũng bỏ nhậu từ đó.
Trong khi một số sinh viên đã bỏ nhậu thì vẫn còn nhiều sinh viên khác xem nhậu là không thể thiếu trong cuộc sống - Ảnh minh hoạ
“Nhậu không được gì cả, nó đã khiến mình đánh đổi quá nhiều, ảnh hưởng sức khỏe và học tập. Nhậu nhẹt làm cha mẹ phải buồn phiền, lo lắng nên mình đã bỏ nhậu đến nay đã hơn 1 năm rồi. Nhiều lúc thấy thịt chó cũng thèm lắm nhưng mình sẽ bỏ được. Trải qua quá nhiều chuyện không hay, mình mong các bạn sinh viên không nên nhậu nhiều. Mỗi lần nhậu uống vài ly cho vui chứ không nên say xỉn. Nhậu vào sẽ gặp nhiều rủi ro không lường trước được như tai nạn khi chạy xe, dễ bị kẻ gian lợi dụng...Thay vào đó hãy dành thời gian học tập và làm những việc có ích hơn”, Hưng chia sẻ.
Không nhất thiết phải nhậu mới nói chuyện được
Đứng dưới góc độ của người đã từng nhậu và bỏ nhậu, Thái Chí Lập (24 tuổi, quê Đồng Nai) chia sẻ: “Bỏ nhậu đơn giản là thấy được hậu quả của việc nhậu, sức khỏe suy giảm sau những hôm quá chén, đầu óc không minh mẫn, dẫn đến nhiều việc như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và còn bỏ lỡ công việc mình đang có. Hơn hết là nguồn rượu hiện nay trôi nổi đủ loại, người nhậu chỉ biết uống nhưng không thể kiểm định được trong một can rượu có pha những gì".
Lập cho biết, bản thân cậu cảm thấy trong công việc hằng ngày, không nhất thiết phải dùng đến bia rượu để nói chuyện với nhau. Chúng ta có thể đi ăn hoặc cafe chẳng hạn, cũng có thể trao đổi thẳng thắn được công việc.
Nêu một ý kiến khác, Huỳnh Nhật Minh (25 tuổi, quê Tiền Giang) bày tỏ: Rượu bia không xấu, chủ yếu  do cách dùng của con người. Uống rượu bia mỗi khi vào dịp lễ hoặc ngày trọng đại thì rất vui. Tuy nhiên uống ở mức độ nào thì cần phải xem lại. Chúng ta không nên uống mà quên bản thân mình, uống đến khi nào đứng dậy đi không nổi thì vô cùng nguy hiểm. Hằng ngày có vô vàn người ngộ độc rượu, lái xe gây tai nạn cũng do rượu bia mà ra, đến lúc hối hận thì mọi chuyện đã xảy ra nghiêm trọng".
Thức ăn ở làng đại học quá rẻ nên việc nhậu đối với sinh viên trở nên quá dễ dàng
Theo Minh, điều đáng lo ngại ở đây là độ tuổi sử dụng rượu bia đang ngày càng trẻ hóa. Nhiều học sinh cấp hai, cấp ba mà cậu biết tổ chức vui chơi gì cũng uống rượu bia.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Võ Ngọc Quốc Minh, Khoa Nội tiêu hóa tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khi uống rượu bia “quá chén” thì tình trạng thường gặp nhất là ngộ độc rượu. Trường hợp nhẹ, có thể bị kích động, la hét, nói ngọng. Ngộ độc nặng hơn thì dẫn đến lơ mơ, hôn mê, khó thở, suy hô hấp,…

Ngoài ra, theo bác sĩ Minh, rất nhiều trường hợp nạn nhân uống phải những loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc cho cơ thể. Hậu quả, bệnh nhân có những rối loạn về thị giác như nhìn thấy mờ, nhìn một vật thành hai, hoặc không nhìn thấy. Nặng hơn, nạn nhân bị hôn mê, khó thở, suy hô hấp, tụt huyết áp dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, bác sĩ Minh cho biết: Rượu bia là thức uống hủy hoại hệ tiêu hóa. Ngoài viêm tụy cấp, những người uống rượu bia thường xuyên và lâu dài sẽ dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan.
Tác hại của rượu còn làm giảm sức đề kháng cơ thể nên những người nghiện bia rượu dễ bị nhiễm trùng, lao phổi hơn người bình thường.
Rượu bia cũng được "xếp hạng top" là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh ung thư như: tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản; ung thư gan; ung thư đại tràng.
Ngoài ra, rượu bia còn gây rối loạn về thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, loạn thần, tâm trạng dễ bị kích động, bạo lực, thậm chí có những trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Bác sĩ Minh cho biết để hạn chế tác hại của bia, rượu đến sức khỏe, đối với nam giới chỉ uống dưới hai đơn vị tương đương hai chai bia hoặc hai ly rượu vang mỗi ngày. Đối với nữ giới chỉ nên uống dưới một đơn vị mỗi ngày. Chính vì vậy, uống rượu bia cần chừng mực trong khả năng của cơ thể.
“Cách đơn giản giúp hạn chế bị say và giảm tác hại của rượu là nên ăn no trước khi uống vì khi bụng đói thì rượu bia dễ hấp thu vào cơ thể dẫn đến say. Ngoài ra, nên uống nhiều nước vì cơ thể dễ bị mất nước khi uống rượu bia. Đặc biệt cần lưu ý là không nên lạm dụng thuốc giải độc gan, thuốc giải rượu”, bác sĩ Minh hướng dẫn.
Bác sĩ Minh khuyến cáo: Trong trường hợp ngộ độc rượu, cần xử trí cho nạn nhân nằm nghiêng để tránh tình trạng hít sặc gây ra suy hô hấp và viêm phổi về sau; giữ ấm cho nạn nhân vì ngộ độc rượu làm hạ thân nhiệt; sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn