|
Người dân xã Ea Kly (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) lội bì bõm dưới lũ bất thường để thu hoạch lúa |
Trong khi nông dân cho rằng ngoài việc mưa lớn, nước dâng bất thường còn có lỗi từ việc các hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ thì chủ các hồ chứa lại cho rằng xả lũ đúng quy trình.
Bì bõm vớt vát hoa màu
Dọc tuyến quốc lộ dẫn từ tỉnh Đắk Lắk về huyện Lắk và các thôn của xã Ea Kly (huyện Krông Pắk) những ngày qua nông dân phải huy động máy móc, thuê người dùng bè mảng để lội giữa nước ngập thu hoạch lúa. Nhiều cánh đồng nước ngập sát bông lúa, có những điểm lúa, đậu... bị ngập lụt khiến cánh đồng hoa màu mênh mông nước.
Ông Nguyễn Đình Uân (thôn 9, xã Ea Kly) cho biết, hiện gia đình ông có 2,5 hecta lúa canh tác tại thôn 10 đang ngập sâu trong nước và xác định mất trắng.
Ông Nguyễn Hải Sâm - chủ tịch UBND xã Ea Kly cho biết, hiện tại trên địa bàn xã có hơn 135 hecta lúa đang vào mùa thu hoạch bị ngập sâu, trong đó khoảng 45ha có nguy cơ mất trắng, khoảng 90 hecta lúa bị ngập đang được người dân cố gắng thu hoạch.
Nguyên nhân theo ông Sâm là do mưa lớn bất thường cộng với nước đổ dồn từ thượng lưu về. Trong khi đó ngày 12-5 hồ thủy lợi Krông Búk hạ cho xả nước với lưu lượng khá lớn làm vỡ bờ suối Nước Đục khiến tình trạng ngập thêm trầm trọng.
Ông Nguyễn Trọng Trung - trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk cho biết đã có khoảng 1.000ha hoa màu các loại của người dân bị thiệt hại nặng, nhiều nơi nước ngập trắng đồng.
“Xả đúng quy trình”
Ông Phạm Hữu Thành - đại diện chi nhánh thủy lợi huyện Krông Pắk thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, việc thủy lợi Krông Búk Hạ xả nước vào ngày 12-5 là đúng quy trình và đã có thông báo cho chính quyền địa phương trước thời điểm xả. Theo ông Thành, việc xả nước là bắt buộc bởi lượng mưa quá lớn.
Ông Đặng Xuân Kiên - chủ tịch UBND xã Ea Rbin (huyện Lắk, Đắk Lắk) cho biết đến ngày 23-5, toàn xã đã có khoảng 300-400 hecta khoai lang của người dân bị nước vào ngập úng, nhiều nơi nước ngập rất sâu khiến người dân như ngồi trên đống lửa.
Trước thiệt hại của dân quá lớn, UBND xã đã thông báo đề nghị nhà máy thủy điện Buôn Tu Sra ở phía trên - cách xã khoảng 20km ngưng chạy một tổ máy phát điện.
“Từ 12h ngày 22-5 đến trưa nay từ khi một cửa xả thủy điện được đóng thì nước về ít hơn, các diện tích ngập bắt đầu rút. Chúng tôi huy động bà con ra khơi thông các điểm thoát nước cứu khoai lang, lúa còn vớt vát được” - ông Kiên nói.
Về nguyên nhân ngập lụt nghiêm trọng này, ông Kiên nói không phải do lỗi của thủy điện ở thượng nguồn mà do mưa quá lớn, kéo dài làm nước từ các khu vực khác đổ về các cánh đồng của dân.
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Trung - trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk cũng cho rằng tình trạng ngập lụt gây thiệt hại nặng trong những ngày qua là do mưa quá lớn, bất thường trong khi đây đang là mùa gặt lúa của bà con các vùng
“Nếu không có thủy điện thì lũ sẽ còn lớn hơn” Về việc người dân trồng lúa ở các xã hạ lưu nhà máy thủy điện lớn trên sông Sêrepok cho rằng ngập lụt lớn và bất thường là do thủy điện xả lũ, ông Nguyễn Tấn Triết - phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuop - đơn vị quản lý vận hành ba nhà máy thủy điện lớn đầu nguồn sông Sêrepok khẳng định: “Thời điểm này chúng tôi chưa xả lũ mà đang cho vận hành các tổ máy để phát điện theo lịch sản xuất điện thông thường. Lưu lượng nước qua các cửa xả bình quân những ngày qua chỉ khoảng 120m3/giây, trong khi đó lưu lượng về hồ đạt trên 240m3/giây. Như vậy, nước xả ra chỉ bằng ½ lượng nước đổ về hồ chứa thì không thể nói là do thủy điện xả mà gây ngập được mà phải nói ngược lại thủy điện đã góp phần cắt lũ, làm giảm ngập lụt cho hạ du”. Ông Triết cũng nói dù hồ chứa Buôn Tu Sra chưa đầy nhưng nhà máy phải mở cửa xả với lưu lượng vừa phải, không gây hại đến sản xuất của dân để tới tháng 7 đưa hồ về mực nước chết chuẩn bị đón các đợt lũ. Đây là yêu cầu bắt buộc, nếu giữ nước trong hồ ở thời điểm này thì mùa mưa lũ sẽ rất nguy hiểm. Ông Huỳnh Dung - phó trưởng Phòng Kế hoạch - vật tư Công ty Thủy điện Buôn Kuop cũng cho biết số liệu các trạm quan trắc độc lập của đơn vị này cho thấy lượng nước ở các sông suối ngoài phạm vi ảnh hưởng của các nhà máy thủy điện đều tăng bất thường so với các năm trước. “Năm nay lượng mưa quá lớn, nước về các sông suối nhiều gây ngập cục bộ. Ở góc độ nhà máy, khi nhận thấy dân bị thiệt hại như vậy dù phải chuẩn bị “dọn hồ” để tới tháng 7 đón lũ nhưng chúng tôi cũng đã ngắt một số cửa xả, dừng chạy một số tổ máy để hỗ trợ bà con chống ngập” - ông Dung cho hay. |
Theo TTO