Khả năng Trung Quốc âm thầm đóng tàu sân bay mới bị nghi ngờ

Thứ năm, 25/05/2017, 13:27
Hình ảnh các bộ phận tàu chiến với kích thước lớn bị rò rỉ trên mạng dẫn đến tranh cãi về việc liệu Trung Quốc có đang đóng tàu sân bay thứ hai sau tàu Liêu Ninh hay không.

Hình ảnh các bộ phận tàu tại xưởng đóng tàu Đại Liên ở Trung Quốc

Tờ South China Morning Post ngày 25.4 đưa tin các hình ảnh bị rò rỉ cho thấy nhiều bộ phận lớn của tàu chiến đang nằm tại xưởng đóng tàu Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, nơi Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên hôm 26.4.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho biết việc đóng tàu sân bay thế hệ thứ 2 vẫn chưa bắt đầu vì Bắc Kinh vẫn đang nghiên cứu tính an toàn của hệ thống phóng máy bay bằng hơi.

Chuyên gia Chu Thần Minh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Knowfar của Trung Quốc cho rằng những bộ phận trên có thể dùng để đóng tàu chiến nhưng không phải tàu sân bay thế hệ thứ 2.

“Theo truyền thống công nghiệp quốc phòng Trung Quốc thì khó có chuyện mọi tàu sân bay đều do một hãng đóng. Lãnh đạo luôn khuyến khích 2 hoặc 3 hãng sản xuất vũ khí cạnh tranh nhau”, ông nhận định và nêu ví dụ Tập đoàn Phi cơ Thẩm Dương và Tập đoàn Không gian Thẩm Dương đều sản xuất tiêm kích.

Tàu sân bay Liêu Ninh do hãng tàu Đại Liên đóng từ khung tàu Varyag của Liên Xô do Trung Quốc mua lại từ một hãng đóng tàu của Ukraine vào năm 1998. Vào tháng 12.2016, có thông tin Trung Quốc đã bắt đầu đóng tàu sân bay thứ 2 tại xưởng đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải từ tháng 3.2015.

Tuy nhiên, một nguồn tin thân với quân đội Trung Quốc cho biết không có dấu hiệu gì cho thấy xưởng đóng tàu này đang đóng tàu sân bay.
“Nếu nói xưởng đóng tàu Giang Nam thắng thầu thì... ít ra chúng ta phải thấy vài bộ phận hoặc thân tàu ở đây nếu họ đã bắt đầu đóng từ 2 năm trước. Nhưng đến nay xưởng đóng tàu vẫn trống không. Không thể che dấu một con tàu to lớn như thế”, ông Chu nói.
Ông cho biết vẫn còn nhiều tranh cãi về việc nên đóng tàu sân bay thế hệ thứ hai chạy bằng năng lượng hạt nhân hay không. “Điều này sẽ do Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định vì dự án tàu sân bay liên quan đến vũ khí chiến lược trong kế hoạch quốc phòng dài hạn của Trung Quốc”, ông nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Antony Wong tại Macau cho rằng các bộ phận ở xưởng đóng tàu Đại Liên có thể được dùng để đóng tàu tấn công đổ bộ Type 075 lớn nhất của Trung Quốc, được trang bị bãi đáp cho trực thăng và tiêm kích có thể cất và hạ cánh theo chiều thẳng đứng.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn