Lỗ hổng đáng lo
Chiều 25/5, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, nhiều vấn đề nóng đã được các Đại biểu (ĐB) đưa ra thảo luận.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề cập đến các vụ bổ nhiệm cán bộ sai phạm đang gây bức xúc rất lớn trong dư luận.
Ông Nhưỡng nhắc đến trường hợp cô Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Thanh Hóa).
“Như vụ cô Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, gây lùm xùm như vậy nhưng bây giờ nghe đâu đi New Zealand. Đây là điều mà dư luận rất bức xúc”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Nghi vấn cô Quỳnh Anh ra nước ngoài |
Chia sẻ với PV xung quanh vấn đề này, bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội cho rằng đây là khe hở đáng lo ngại trong công tác cán bộ hiện nay tại Việt Nam.
Theo bà Thu Ba, nếu đúng như cô Quỳnh Anh sang New Zealand theo phản ánh từ dư luận thì một lần nữa cho thấy sự chậm trễ, lỏng lẻo của các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương trong việc quản lý cán bộ.
“Đáng lẽ những trường hợp cán bộ có vấn đề chưa được làm rõ thì chúng ta cần phải có lệnh cấm xuất cảnh, hạn chế việc đi lại. Tuy nhiên chúng ta vào cuộc chậm nên dẫn đến tình trạng cán bộ bỏ sang nước ngoài.
Khi không có lệnh cấm xuất nhập cảnh thì cơ quan hải quan không thể có quyền yêu cầu cô Quỳnh Anh ở lại trong nước. Giờ việc xem xét, xử lý cũng rất khó”, bà Thu Ba lo ngại.
Cùng đưa ý kiến, ông Nguyễn Minh Quang - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương khẳng định cần phải nhìn nhận một cách cụ thể, khách quan sự việc này.
Theo ông Quang, sau khi dư luận và báo chí đặt ra nghi vấn tình cảm của cô Quỳnh Anh với một lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, cô này đã chủ động làm đơn xin nghỉ việc. Sau đó Sở Xây dựng Thanh Hóa đã chấp nhận đề nghị trên và cô Quỳnh Anh không còn là cán bộ công chức, viên chức nhà nước.
“Nếu cô Quỳnh Anh có đi ra nước ngoài tôi nghĩ cũng bình thường. Thời điểm cô này sang New Zealand chẳng hạn, chúng ta chưa vào cuộc điều tra, xác minh nghi vấn từ dư luận. Cơ quan nhà nước cũng không có văn bản cấm xuất cảnh.
Khi cô Quỳnh Anh trở thành công dân bình thường thì theo quyền tự do, công dân hoàn toàn có thể đi lại giữa các nước.
Tôi nghĩ chỉ có một vấn đề cần lưu ý, đó là khi đang có những lùm xùm từ dư luận về cô Quỳnh Anh mà Sở Xây dựng Thanh Hóa lại cho cô này thôi việc luôn. Hôm trước nộp đơn, hôm sau Sở đồng ý ngay. Thường thì khi có sự việc lùm xùm, các cơ quan nhà nước phải án binh bất động, không cho cán bộ nghỉ việc hay chuyển công tác”, ông Quang nêu quan điểm.
Xử lý rất khó
Về hướng xử lý, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Minh Quang cho rằng, trong trường hợp này cấp trên chỉ có thể yêu cầu Thanh Hóa tìm cho được cô Quỳnh Anh về trình diện. Trong trường hợp địa phương báo cáo không tìm thấy cô này thì cũng rất khó xử lý.
“Chỉ khi thành án hình sự, phát hiện tham ô tài sản chúng ta mới có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Khi đó nếu cô Quỳnh Anh không có mặt tại địa phương thì cơ quan chức năng mới phát lệnh truy nã. Trường hợp cô này ở nước ngoài, phía Việt Nam sẽ phát lệnh truy nã quốc tế như Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên nếu cô Quỳnh Anh sang các quốc gia không hỗ trợ hiệp định tư pháp thì việc truy nã để bắt, dẫn độ đưa về nước cũng rất khó khăn”, ông Quang nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thu Ba đề nghị Thanh Hóa cần làm rõ nội dung dư luận phản ánh về việc cô Quỳnh Anh ra nước ngoài. Sau khi có thông tin chính xác cần công khai một cách rộng rãi để đông đảo người dân cùng được biết.
“Trường hợp báo chí phản ánh, đặt nghi vấn mà địa phương vẫn đứng ngoài cuộc, không làm thật sự mạnh mẽ, quyết liệt thì rất khó.
Khi Trung ương để cho Thanh Hóa thanh tra, kiểm tra vấn đề bổ nhiệm thần tốc cũng như khối tài sản lớn của cô Quỳnh Anh, cá nhân tôi đã không yên tâm và cảm thấy lo lắng rồi.
Chúng ta phải rút kinh nghiệm và có biện pháp ngăn chặn, thậm chí cấm xuất nhập cảnh với những cán bộ đang có lùm xùm cần làm rõ”, bà Thu Ba nhấn mạnh.
Theo Đất Việt