Tờ báo điện tử Live Mint (Ấn Độ) cho hay, ngày 26/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự lễ khánh thành cây cầu Dhola-Sadiya - hạ tầng quan trọng giúp quốc gia này tăng cường an ninh biên giới.
Đây là cây cầu dài nhất Ấn Độ với chiều dài 9,2km, bắc qua sông Brahmaputra tại bang Assam.
Cây cầu chiến lược của Ấn Độ, thay đổi quan điểm của quốc gia Trung Á với Bắc Kinh. |
Chỉ cách biên giới Ấn – Trung chưa đến 100 km, Dhola-Sadiya được thiết kế để nhanh chóng di chuyển bộ binh và pháo binh đến khu vực khi cần. Vì thế, cầu được gia cố vô cùng chắc chắn, chịu được tải trọng đến 60 tấn của xe tăng, theo hãng thông tấn PTI.
Giới chuyên gia nhận định cầu Dhola-Sadiya sẽ đóng vai trò kết nốt then chốt các căn cứ quân sự ở miền Đông Ấn Độ đến biên giới với Trung Quốc. Thông qua tuyến đường này, New Delhi có thể nhanh chóng triển khai lực lượng từ căn cứ quân sự Panagarh ở bang Tây Bengal đến khu vực.
Panagarh là căn cứ nhà của "binh đoàn sơn cước", được huấn luyện đặc biệt để tác chiến tại vùng núi cao nhằm đối phó các nguy cơ tại khu vực biên giới còn đang tranh chấp với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cầu Dhola-Sadiya còn giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển giữa các bang Arunachal Pradesh, giáp Trung Quốc, và Assam, nơi đặt tuyến tàu hỏa chủ chốt và các sân bay dân sự của miền Đông Bắc Ấn Độ.
“Ngoài mục tiêu phục vụ quốc phòng, cây cầu sẽ được người dân ở Assam và Arunachal Pradesh sử dụng cho hoạt động hằng ngày”, PTI dẫn lời Thủ hiến Assam Sarbandanda Sonowal cho biết.
Bang Arunachal Pradesh là vùng sâu xa nhất của Ấn Độ, cũng là điểm nóng trong tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc nhiều thập kỷ qua khi Trung Quốc gọi đây là vùng Nam Tây Tạng và đòi Ấn Độ trả lại họ.
Với việc hoàn thành cây cầu, giới chuyên gia đánh giá đây là cột mốc đáng kể trong việc thay đổi tư duy chiến lược quốc phòng của Ấn Độ, liên quan tới việc phát triển hạ tầng ở khu vực biên giới với Trung Quốc.
Trong hơn 5 thập kỷ, Ấn Độ đã không có bất cứ đầu tư nào cho các tuyến đường chạy dọc theo 4.056km biên giới giữa nước này với Trung Quốc bởi lo ngại tái diễn sự kiện chiến tranh biên giới năm 1962.
Chiếc cầu dài nhất của Ấn Độ Dhola Sadiya, chịu được tải trọng đến 60 tấn của xe tăng - Ảnh: India.com |
Giới chức kỳ vọng cây cầu không những cải thiện đáng kể hoạt động kết nối giao thông tại vùng Đông Bắc nước này, mà còn giúp Ấn Độ kiểm soát hữu hiệu tình hình dọc theo biên giới trong trường hợp có biến.
Chuyên gia phân tích quốc phòng độc lập kiêm cựu đại tá quân đội Ấn Độ K. V. Kuber nhận định: "Chiếc cầu nối Assam với bang Arunachal Pradesh là sự thay đổi chiến lược rất lớn trong tư duy tổ chức quốc phòng của Ấn Độ về vấn đề phát triển hạ tầng ở khu vực biên giới với Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng mới sẽ giúp quân đội Ấn Độ có thể sẵn sàng ứng phó với những sự cố từ phía Trung Quốc".
Theo Đất Việt