|
Cần một giải pháp đồng bộ, bền vững bảo vệ biển Cửa Đại. |
Ngày 25/5, tại TP.Hội An (Quảng Nam), Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, tình trạng sạt lở nghiêm trọng đang xảy ra tại nhiều địa phương như TT-Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và các tỉnh ĐBSCL. Phần do tác động của biến đổi khí hậu, mặt khác do tác động của khai thác cát thiếu kiểm soát… nên rất cần một giải pháp căn cơ.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam có bờ biển dài trên 125km, trong đó bờ biển Hội An là một trong những địa điểm đẹp. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xói lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng, trung bình mỗi năm, biển xâm thực sâu vào đất liền từ 10m đến 15m, với chiều dài khoảng 2km.
Theo ông Bertrand Lortholary, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Hội An đang chịu ảnh hưởng do tình trạng xói lở bờ biển, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như môi trường sống. Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới, là địa phương có bờ biển đẹp nhưng nguy cơ bờ biển bị biến mất là có thể.
Chính vì vậy, Chính phủ Pháp quyết định đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu để xác định thông tin một cách chính xác. Từ đó, có phương án hỗ trợ một cách cụ thể trong việc khắc phục xói lở bờ biển Hội An. Bên cạnh đó, sẽ kêu gọi từ các nguồn tài trợ khác để xây dựng hệ thống rừng ngập mặn, nhằm bảo vệ bờ biển một cách tốt nhất.
Từ tháng 7/ 2016, nhóm nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững được triển khai đến nay hoàn thành. GS.TSKH Nguyễn Kim Đan - đại diện nhóm nghiên cứu cho hay, qua quá trình thu thập dữ liệu, đo đạc và quan sát tại hiện trường, nghiên cứu hiện tượng quá trình xói lở bở biển Hội An…, nhóm đề xuất một số giải pháp như cấm tất cả các hình thức khai thác cát ven sông Thu Bồn, quanh sông Cửa Đại và khu vực ven biển Hội An.
Do các chất gây ô nhiễm trong trầm tích mắc kẹt trong các hồ chứa thượng lưu, không nên xả trầm tích từ các hồ chứa này vào hạ lưu. Nhóm cũng đề xuất nuôi bãi kết hợp đê ngầm trên chiều dài khoảng 6.500m dọc theo bờ biển. Để tăng lưu lượng trầm tích từ cửa sông Thu Bồn lên đến bờ biển phía Bắc, cần nạo vét luồng có chiều rộng khoảng 200m và chiều sâu 8m, dọc theo bờ trái của cửa sông Cửa Đại, vì đây sẽ là nguồn bùn cát cần thiết cho việc nuôi bãi…
Theo Tiền Phong