"Bộ ba quyền lực" phía sau chương trình tên lửa của Triều Tiên

Thứ sáu, 26/05/2017, 09:57
Trong các bức ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố sau mỗi vụ phóng thử tên lửa thành công, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thường được nhìn thấy tươi cười và ôm 3 phụ tá đứng cạnh ông để ăn mừng. Sự xuất hiện thường xuyên này cho thấy đây có thể là 3 nhân vật quan trọng trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Bức ảnh do hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 15/5/2017 chụp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) và ông Ri Pyong Chol (trái) tươi cười sau một vụ phóng thử tên lửa (Ảnh: KCNA)

Theo Reuters, 3 quan chức thường xuyên xuất hiện trong các bức ảnh và các bản tin trên truyền hình của Triều Tiên được cho là những nhân vật hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong chương trình tên lửa ngày càng phát triển mạnh của Bình Nhưỡng. Họ là Ri Pyong Chol - cựu tướng không quân, Kim Jong Sik - nhà khoa học tên lửa về hưu và Jang Chang Ha - lãnh đạo trung tâm thu nhận và phát triển vũ khí của Triều Tiên.

Các bức ảnh và đoạn phim do truyền thông Triều Tiên công bố cho thấy ba người đàn ông này rõ ràng là những phụ tá thân tín của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Các cử chỉ và mức độ thân thiết của họ với ông Kim khác hẳn với các trợ lý khác của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Không giống các quan chức khác, 2 trong số 3 người đàn ông này đã từng được nhìn thấy ngồi cạnh ông Kim Jong-un trên chiếc Goshawk-1, máy bay riêng của nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong một bản tin trên truyền hình.

“Thay vì phải lấy ý kiến thông qua bộ máy gồm một loạt các quan chức nhà nước, ông Kim Jong-un đã giữ 3 nhà khoa học này ngay bên cạnh để ông ấy có thể liên hệ trực tiếp với họ và hối thúc họ đẩy nhanh tiến độ (của chương trình tên lửa). Điều này cho thấy sự nóng lòng của nhà lãnh đạo này trong việc phát triển tên lửa”, An Chan-il, cựu sĩ quan quân đội Triều Tiên đào tẩu và hiện đang điều hành một viện nghiên cứu tại Hàn Quốc, cho biết.

Các chuyên gia về Triều Tiên cho biết không giống như nhiều nhân vật cấp cao khác trong chính quyền Trièu Tiên, ông Kim Jong Sik và ông Jang Chang Ha không phải là các thành viên trong gia đình ông Kim Jong-un. Cùng với ông Ri Pyong Chol, cả ba người đều do đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un lựa chọn để phục vụ cho chương trình tên lửa của Triều Tiên.

Ông Ri Pyong Chol (thứ hai từ trái sang), ông Kim Jong Sik (chính giữa) và ông Jang Chang Ha (thứ hai từ phải sang) đứng cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12 (Ảnh: KCNA)

“Bộ ba quyền lực” phát triển tên lửa Triều Tiên

Nhân vật quan trọng nhất trong “bộ ba quyền lực” trên là ông Ri Pyong Chol, theo các chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên. Các nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc và Bộ Tài chính Mỹ cho biết ông Ri hiện là Phó Giám đốc Cục Công nghiệp Vũ khí thuộc đảng Lao động Triều Tiên - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát quá trình phát triển của chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Cơ quan này đã từng bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ vào năm 2010.

Sinh năm 1948, ông Ri từng được đào tạo ở Nga và thăng tiến dần khi ông Kim Jong-un bắt đầu có ảnh hưởng trong chính quyền Triều Tiên từ cuối những năm 2000. Ông Ri từng tới Trung Quốc một lần và tới Nga hai lần. Ông từng gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vào năm 2008 khi còn giữ chức chỉ huy lực lượng không quân Triều Tiên và tháp tùng cố lãnh tụ Kim Jong-il trong chuyến thăm tới một nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu của Nga vào năm 2011.

Nhà khoa học tên lửa trong “bộ ba quyền lực” là ông Kim Jong Sik. Ông Kim Jong Sik khởi nghiệp là một kỹ thuật viên hàng không dân sự. Tuy nhiên, hiện tại ông được nhìn thấy mặc quân phục của một tướng quân đội tại Cục Công nghiệp Vũ khí Triều Tiên. Theo Michael Madden, một chuyên gia về Triều Tiên, vai trò của ông Kim Jong Sik bắt đầu nổi lên sau vụ phóng thử tên lửa thành công đầu tiên của Bình Nhưỡng vào năm 2012. Trong bản tin do truyền hình Triều Tiên công bố, ông Kim Jong Sik từng được nhìn thấy ngồi trong máy bay riêng của ông Kim Jong-un, chở nhà lãnh đạo tới một địa điểm phóng tên lửa.

Ông Ri Pyong Chol (phải) vỗ tay chúc mừng nhà lãnh đạo Triều Tiên sau một vụ phóng thử tên lửa năm 2016 (Ảnh: KCNA)

Trong “bộ ba quyền lực”, ông Jang Chang Ha, Giám đốc Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên, là người được biết đến ít nhất. Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, học viện này phụ trách việc nghiên cứu và phát triển các hệ thống vũ khí tối tân của Triều Tiên, bao gồm “tên lửa và có thể cả vũ khí hạt nhân”. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm thu thập các công nghệ, vũ khí cũng như thông tin từ nước ngoài để phục vụ cho chương trình vũ khí của Triều Tiên. Dưới sự lãnh đạo của ông Jang, Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên hiện có khoảng 15.000 nhân viên, trong đó có khoảng 3.000 kỹ sư tên lửa.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn