Thời gian qua, có nhiều ý kiến phản ánh việc các nhà thầu Trung Quốc liên tục được nhận các công trình quan trọng của Việt Nam, mặc dù chất lượng không đảm bảo. Các ý kiến đề nghị rà soát và đánh giá chất lượng, hiệu quả những dự án do Trung Quốc trúng thầu, kể cả nguồn vốn vay từ Trung Quốc để tránh bị phụ thuộc vào kinh tế nước này.
Trả lời vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận đúng là nhiều nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu các dự án quan trọng của Việt Nam. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tình trạng như: thi công chậm tiến độ; chất lượng của hàng hóa, công trình sau khi hoàn thành không cao, xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành...
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dùng vốn vay và nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ, đội vốn. Ảnh: L.Bằng . |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng liệt kê một loạt nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu Trung Quốc trúng thầu.
Một là sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Để vay vốn Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay.
“Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều ở Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Hai là chất lượng lập, phê duyệt dự án còn thấp, chưa xác định được một cách tương đối chính xác về công nghệ, khối lượng cũng như tổng mức đầu tư của dự án dẫn đến phát sinh khối lượng khi thực hiện.
Ba là phê duyệt tổng mức đầu tư thấp dẫn đến các nhà thầu chào công nghệ tiên tiến, xuất xứ từ các quốc gia phát triển đều không trúng thầu do vượt tổng mức đầu tư.
Bốn là chất lượng công tác lập hồ sơ mời thầu của các chủ đầu tư còn yếu, chưa đưa ra được rào cản kỹ thuật để loại nhà thầu Trung Quốc.
Để khắc phục tình trạng này, trước tiên cần tự chủ được nguồn lực tài chính, thu hút vốn đầu tư tư nhân, nước ngoài; tăng cường các dự án hợp tác công - tư PPP; nâng cao chất lượng lập, phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.
Ngoài ra, nhiều ý kiến phản ánh các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án trọng điểm tại nước ta nhưng triển khai chậm, thi công kém chất lượng gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân (như dự án sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông...).
Các ý kiến đề nghị có biện pháp chặt chẽ, quyết liệt để khắc phục tình trạng trên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Luật Đấu thầu không quy định chọn thầu theo giá rẻ mà chỉ quy định những nhà thầu đã được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật mới được xem xét, xác định giá đánh giá. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, có giá đánh giá thấp nhất mới được xem xét, đề nghị trúng thầu.
Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực, kinh nghiệm nên trong hồ sơ mời thầu, các chủ đầu tư Việt Nam chưa đưa ra được rào cản kỹ thuật để loại bỏ những hàng hóa có chất lượng thấp; chưa đưa ra được công thức xác định giá đánh giá phù hợp nhằm lựa chọn được các nhà thầu có thực lực, có kỹ thuật tốt.
Để nhằm hạn chế và dần khắc phục tình trạng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, biện pháp cần thực hiện là “Việt Nam phải tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn Trung Quốc quá nhiều”.
Ngoài ra, theo Bộ này, người có thẩm quyền, chủ đầu tư phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực trong việc tổ chức lập, phê duyệt dự án, đặc biệt là những dự án/gói thầu phải tổ chức đấu thầu quốc tế, trong đó tổng mức đầu tư của dự án phải phù hợp với công nghệ và xuất xứ của hàng hóa, thiết bị mong muốn.
Các chủ đầu tư phải nâng cao năng lực, đạo đức và trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ để bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu góp phần lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu.
“Đặc biệt phải quy định nội dung đánh giá về uy tín của nhà thầu trong việc thực hiện các hợp đồng trước đó. Theo đó, trường hợp nhà thầu tham dự thầu đã có lịch sử không hoàn thành hợp đồng thì sẽ bị đánh giá là không bảo đảm uy tín và hồ sơ dự thầu của nhà thầu sẽ bị loại”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Theo Zing