Nhân viên bảo vệ tại một quán trà sữa trên đường Ngô Đức Kế (quận 1), cho biết quán luôn trong tình trạng hết chỗ, khách phải xếp hàng dài dọc theo lề đường để mua. Quanh khu vực này chưa đầy 300m đã có 3 chi nhánh cùng một thương hiệu mở lần lượt, nhưng quán nào cũng trong tình trạng quá tải.
Nhiều khách hàng trẻ xếp hàng dài chờ tới lượt nhận trà sữa. Ảnh: Thái Nguyễn. |
“Quán nhỏ nhưng có đến 50-60 nhân viên làm việc liên tục. Nhân viên nhận order xong sẽ chuyển trà từ trên tầng lầu xuống giao cho khách. Làm liên tục mà vẫn không kịp vì quá đông. Chúng tôi phải giải quyết tình trạng chen lấn bằng yêu cầu khách xếp hàng, để đảm bảo ai cũng mua được”, nhân viên cho biết.
Theo khảo sát, hầu hết quán trà sữa đông khách đều là những quán mới mở có thương hiệu từ Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản, Singapore. Dù chỉ mới thâm nhập thị trường Việt Nam nhưng các hàng trà này đã nhanh chóng thu hút giới trẻ Sài Gòn, vì công thức riêng biệt.
Hoàng (quận Tân Bình, TP.HCM) – “tín đồ” nghiện trà sữa, chia sẻ mỗi tuần bạn có thể chi tiền để mua 3-5 ly trà của một thương hiệu ưa thích. Điểm thu hút Hoàng là khẩu vị trà sữa được chính bạn tự chọn và nêm nếm, tự chọn tỷ lệ đường, đá và trà, thay vì phụ thuộc khẩu vị người bán như trà sữa bình thường.
"Sự khác biệt này nên mình có đợi 15 – 20 phút để mua một ly trà sữa yêu thích cũng hoàn toàn xứng đáng", Hoàng nói.
Hàng dài người trẻ hàng ngày xếp hàng chờ mua trà sữa. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Giá bán một ly trà sữa tại các quán thương hiệu ngoại khá cao, giao động 50.000-70.000 đồng/ly, và tùy khẩu vị, người uống có thể tự pha những hương vị mà mình thích. So với giá một ly trà sữa thông thường thì mức giá này cao gấp 2-3 lần. Đắt nhưng vì có thương hiệu và hương vị lạ miệng, các bạn trẻ vẫn sẵn sàng chi tiền và bỏ thời gian chờ để được mua.
Hoàng chia sẻ thêm, ngoài mất công sức để được thưởng thức trà sữa "ngoại nhập", thì việc xếp hàng mua trà, liên tục "check in" hết quán này đến quán khác còn là thành tích để khoe nhau trên mạng xã hội.
“Sau quá trình chờ đợi thì ai cũng muốn ‘khoe’ thành quả. Thương hiệu ngoại thì thể hiện đẳng cấp hơn hẳn”, Hoàng nói thêm.
Dù vậy, không phải khách hàng nào cũng có thể chờ đợi để thưởng thức một ly trà sữa khi phải đứng liên tục trong 15 – 20 phút. Bạn Quỳnh (quận 12) rất ngán ngẩm khi phải đợi quá lâu để mua hàng.
“Mình thấy đây là hiệu ứng đám đông thì đúng hơn. Giới trẻ ai cũng muốn trải nghiệm món mới nhưng với mình thì không thực sự cần thiết”, Quỳnh chia sẻ.
Khách phải đợi từ 15-20 phút để mua được một ly trà sữa. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Không chỉ khu trung tâm quận 1, khu vực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng đang được gọi là “thiên đường” trà sữa. Các thương hiệu lớn đều góp mặt trên con đường này.
Chính vì vậy, khu vực xung quanh các quán trà sữa trên đường này luôn diễn ra cảnh tắt đường. Khách mua vô tư dừng xe đứng đợi ngay giữa đường khiến con đường này luôn trong cảnh chật chội.
CEO của chuỗi đồ uống U. cho biết trà sữa tại Việt Nam đã bùng nổ từ năm 2000, tuy nhiên nhiều hệ thống trà sữa vẫn còn nhỏ lẻ. Nguyên liệu các quán trà sử dụng còn mang mùi vị truyền thống, không cải tiến dẫn đến khách dễ ngán và nhanh chóng bị bão hòa. Do vậy mà khi thấy một thương hiệu lạ, mùi vị mới thì cơn sốt trà sữa lại bùng lên.
Đại diện này cũng cho hay thấy được thị trường tiềm năng tại TP.HCM, nhiều chuỗi trà sữa nước ngoài không thể ngó lơ.
Việc trà sữa của những hệ thống ngoại "hot" từ khi mới đưa vào Việt Nam, theo đại diện này, chủ yếu nguyên liệu của những hệ thống trà sữa được nhập từ nước ngoài, phá vỡ những khuôn khổ của ly trà sữa truyền thống bằng công thức riêng.
Đa số những hệ thống trà này cũng chọn những vị trí mặt tiền, khu trung tâm, thuận tiện để các khách trẻ lui tới.
Theo Zing