Đưa vi phạm kinh doanh đa cấp vào Bộ luật hình sự

Thứ tư, 24/05/2017, 13:26
Theo góp ý của đa số đại biểu Quốc hội và đề nghị của Chính phủ, dự thảo Bộ luật hình sự bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.    

Sáng 24/5, thừa ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự.

Theo báo cáo giải trình, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung điều luật mới về tội “Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp”, để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép. Điều này tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua.

Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị không bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật hình sự.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình. Ảnh: Quochoi.vn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật sẽ tiềm ẩn nguy cơ, gây ra hậu quả rất lớn.

“Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người nghèo. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo luật đã bổ sung điều 217 a: Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Thảo luận tại hội trường sáng 24/5, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (tỉnh Hòa Bình), cho rằng việc bổ sung tội danh "Vi phạm về kinh doanh theo phương thức đa cấp là cần thiết. Vừa qua các công ty đa cấp như: Cộng Đồng Việt lừa 108 tỷ đồng, Liên Kết Việt lừa hơn 2.000 tỷ đồng của đa số người nghèo ở nông thôn.

Đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy (tỉnh Hòa Bình). Ảnh: Bảo Lâm.

Tuy nhiên, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy cũng cho rằng cần có quy định cụ thể về xử lý người tổ chức, người đứng đầu khi ký hợp đồng với người tham gia kinh doanh đa cấp theo kiểu lừa đảo. Vì kinh doanh đa cấp phân chia rất rõ, mạng lưới rất rộng, do đó không nên quy định chung chung.

"Tôi đề nghị cần có quy định riêng xử lý hình sự với người đứng đầu. Bộ luật hình sự cũng nên quy định xử lý người tham gia nếu xác định hành vi đồng phạm với người đứng đầu", đại biểu Thủy góp ý.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng chưa rõ cơ sở để bổ sung quy định trên và giải trình cũng chưa rõ ràng về nguyên nhân và cách xử lý.

“Bộ luật hình sự đã bỏ tội kinh doanh trái phép vì nó không phù hợp tình hình thực tế khi người dân có quyền tự do kinh doanh ở lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nay có thêm có tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là không phù hợp”, ông Xuyền nói.

Theo đại biểu Xuyền, với thiết kế như dự thảo thì chưa chắc xử lý được vì họ được cấp khép đăng ký kinh doanh đầy đủ. Hơn nữa, khung hình phạt cao nhất chỉ 5 năm tù là nhẹ hơn rất nhiều so với với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt lên đến 20 năm và chung thân.

“Bổ sung tội mới có thể tạo khe hở là nơi trốn để đối tượng không bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản”, ông Xuyền góp ý.

Điều 217a: Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp

1. Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây,nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều174và Điều 290của Bộ luật này, thì bịphạt tiềntừ500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng,phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ6 thángđến2năm:

a) Đã bị xử phạt vi hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng;

c) Gây thiệt hại cho người khác từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bịphạt tiền từ 1 tỷ đồng đến5 tỷđồng hoặcphạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại cho người khác 1,5 tỷ đồng trở lên;

c) Quy mô mạng lưới người tham gia từ 100 người trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích