Túi chứa đất mặt trăng sẽ được bán với giá 4 triệu USD

Thứ năm, 25/05/2017, 08:51
Các nhà thẩm định cho rằng chiếc túi mà phi hành gia Neil Armstrong dùng để chứa mẫu vật là đất trên mặt trăng sẽ có giá 4 triệu USD.    

Một trong những việc đầu tiên mà Neil Armstrong, phi hành gia của tàu Apollo 11, làm sau khi đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969 là lấy khoảng 5 thìa mẫu vật đất đá trên mặt trăng cho vào một chiếc túi. Sau đó, ông cất nó vào quần.

Khi trở về, Amstrong chuyển nó cho các nhà khoa học tại một phòng thí nghiệm ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. Cuối cùng, chiếc túi biến mất và rơi vào quên lãng.

Cách đây 2 năm, Nancy Lee Carlson tình cờ phát hiện vật phẩm này trong một cuộc đấu giá trực tuyến. Khi ấy, nó chỉ có giá 995 USD.

Giá trị hàng triệu USD?

Tò mò về lai lịch món đồ vừa mua, Carlson đã gửi nó tới NASA để kiểm tra. Sau khi phát hiện ra lai lịch của chiếc túi, cơ quan này từ chối trả lại. Động thái này dẫn đến một cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài. Cuối cùng, Tòa án Mỹ yêu cầu NASA trả lại cho Carlson chiếc túi.

Chiếc túi mà Amstrong dùng để đựng mẫu vật đất trên mặt trăng được định giá 4 triệu USD. Ảnh: Sotheby's.

Hiện tại, người phụ nữ này đang lên kế hoạch bán nó với mức giá 2-4 triệu USD trong đợt đấu giá của Sotheby’s tại thành phố New York vào ngày 20/7 tới. Mức giá này cao hơn khoảng 4.000 lần mức giá mà cô mua cách đây 2 năm.

Tuy nhiên, chuyên gia cao cấp của Sotheby’s, Cassandra Hatton, nhận định vật này có thể được bán với mức giá hàng triệu USD. Bởi NASA không cho phép cá nhân sở hữu bất cứ thứ gì của mặt trăng, trừ trường hợp ngoại lệ, do tòa án yêu cầu.

William Jeffs, phát ngôn viên của NASA, cho hay cơ quan này thất vọng với phán quyết mới nhất của tòa nhưng quyết định không kháng cáo. Bên cạnh đó, ông cho biết NASA cho rằng chiếc túi này phải được trưng bày trước công chúng. Bởi nó đại diện cho đỉnh cao nỗ lực quốc gia liên quan đến một thế hệ người Mỹ, gồm những phi hành gia liều mình để đạt được bước tiến quan trọng nhất mà loài người từng đạt được.

Manh mối xác minh nguồn gốc

Tháng 3/2015, Carlson tìm thấy chiếc túi này có tên trong danh sách đấu giá trực tuyến do Gaston & Sheehan, một nhà đấu giá tại bang Texas, điều hành. Thông tin mô tả chiếc túi không nhiều: "Một chiếc túi đựng đất trở về từ mặt trăng, rộng 29cm và rách ở giữa".

Sau khi đấu giá thành công và nhận vật phẩm, cô mở chiếc túi ra và nhìn thấy dòng số: V36-788034. Manh mối đó đã dẫn cô đến với NASA. Những con số ứng với mã túi khử mùi trên tàu Apollo 11.

Cùng với lời khuyên từ chủ tịch của một câu lạc bộ khoáng vật địa phương, cô gọi cho NASA và chuyển chiếc túi đến Trung tâm Vũ trụ Johnson ở thành phố Houston vào tháng 9/2015.

Sau đó, cô gửi nhiều email đến cơ quan này song không có hồi âm. Tháng 5 năm ngoái, Carlson nhận điện thoại từ văn phòng luật sư bang Kansas, với thông báo NASA đã kiểm tra chiếc túi và trong đó thực sự chứa đất mặt trăng từ chuyến đi của tàu Apollo 11.

Chiếc túi được bán đấu giá để bồi thường trong trường hợp liên quan đến Max Ary, cựu giám đốc của Bảo tàng Cosmosphere bang Kansas. Ông này bị tù 2 năm vì tội ăn cắp hiện vật và bán chúng trong các cuộc đấu giá. Bộ sưu tập của Ary gồm chiếc túi này, đã bị Dịch vụ Marshals Mỹ tịch thu.

Do đó, NASA tuyên bố là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc túi và yêu cầu toà án hủy kết quả đấu giá của Carlson.

Tháng 6 năm ngoái, Carlson kiện NASA vì chiếm giữ tài sản một cách bất hợp pháp.

Những con số chứng minh nguồn gốc của chiếc túi trị giá 4 triệu USD. Ảnh: Sotheby's.

Sai lầm khổng lồ của NASA

Allan Needell, người quản lý Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Smithsonian, thông tin chiếc túi có thể đã bị thất lạc từ sớm. Dù được dán nhãn “Mẫu vật Trở về từ Mặt trăng”, nó không phải là một trong số 350 vật phẩm liên quan đến tàu Apollo 11 mà Trung tâm Vũ trụ Johnson ở bang Texas gửi cho Smithsonian.

Ông thông tin sau khi kết thúc sứ mệnh cuối cùng vào năm 1972, các kỹ sư và nhà khoa học của NASA tại trung tâm đã đóng gói các vật dụng nhỏ bé và đưa chúng về nhà, vứt đi hoặc tặng cho những người yêu thích không gian.

Một trong những người hâm mộ may mắn đó là Ary, sau này trở thành giám đốc phòng thiên văn tại một viện bảo tàng khoa học ở bang Texas.

"Tôi đã nói với bạn bao nhiêu lần là tôi đã nói chuyện với một kỹ sư ở Johnson. Người đó đưa tôi một chiếc hộp chứa đầy những thứ linh tinh và nhờ tôi vứt chúng vào thùng rác", Ary nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thay vì vứt đi, ông giữ lại làm vật lưu niệm.

Sau khi về làm giám đốc Bảo tàng Cosmosphere bang Kansas, lúc ông cất chiếc túi này tại nhà kho ở nhà riêng, lúc cất trong nhà kho của bảo tàng.

Theo Wall Street Journal, NASA tuyên bố cơ quan này đã cho Bảo tàng Cosmosphere mượn chiếc túi vào năm 1981, nhưng lại không có bất cứ giấy tờ nào để chứng minh.

Theo hồ sơ mà NASA đệ trình lên tòa án, chiếc túi được đưa vào danh sách của bảo tàng từ đầu những năm 1980, với giá trị ước tính 15 USD.

Còn theo Ary, số lượng lớn các vật phẩm trong bộ sưu tập cá nhân của ông và những vật dụng tại bảo tàng khiến ông nhầm lẫn.

Sau khi ông rời khỏi vị trí vào năm 2002, các quan chức bảo tàng phát hiện ông bán đấu giá hoặc tặng các hiện vật mà NASA cho bảo tàng mượn. Một năm sau, các nhân viên FBI đột kích vào nhà ông và tịch thu bất cứ thứ gì mà họ tìm thấy, gồm chiếc túi màu trắng có khóa kéo trong nhà để xe.

Ông bị truy tố và sau đó bị buộc tội trộm tài sản của chính phủ, rửa tiền cùng nhiều tội danh khác.

Vài tuần sau, FBI được ủy quyền chuyển bộ sưu tập của Ary đến Dịch vụ Marshals Mỹ để chuẩn bị bán. Giải thích trong hồ sơ, NASA cho hay tại thời điểm đó, họ không nhớ đến việc xem xét tất cả các vật dụng của ông Ary.

Joseph Gutheinz, cựu đại diện của Văn phòng Tổng kiểm tra của NASA, cho biết: “Chiếc túi là một phần lịch sử và để mất nó là sai lầm khổng lồ của NASA”. Người đàn ông này đã đứng về phía Carlson trong vụ kiện và nói rằng: “Chính phủ đã bán một kho báu quốc gia và sau đó phải hối hận”.

Đồng tình với ý kiến này, J. Thomas Marten, Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, viết trong phán quyết ngày 14/12 năm ngoái rằng: “Với tư cách là một người mua thực thụ, Carlson có quyền ưu tiên hơn so với tuyên bố chủ quyền của NASA với tài sản này”.

Hôm 27/2, Carlson cùng con trai và luật sư đã đến Trung tâm Không gian Johnson để nhận lại chiếc túi. Cô hy vọng sử dụng số tiền thu được từ việc đấu giá để tài trợ nghiên cứu khoa học và y khoa.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích