Chiều 25/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ nhiều vấn đề quanh nội dung phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, những tháng đầu năm 2017 cũng như nêu nhận xét về báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) 2015.
Đại biểu Vũ Trọng Kim |
Phải xử lý nghiêm vi phạm kỷ luật ngân sách
Nhận xét về báo cáo Quyết toán NSNN năm 2015, đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) cho biết, mặc dù đánh giá cao kết quả kiểm toán, nhưng hạn chế là phải làm rõ được trách nhiệm.
“Trong dự toán chi, phần đầu tư phát triển 225.000 tỷ đổng được Quốc hội giao (chia làm 2 lần), tại sao có 30.000 tỷ đồng đến 21/4 năm nay mới giao? Nguyên nhân trách nhiệm là ở đâu? Sắp tới biểu quyết quyết toán 2015 thì liệu Quốc hội có biểu quyết không?”, ông Chinh gay gắt.
Vị đại biểu nêu vấn đề, giao ngân sách đã chậm lại còn giao nhiều lần, giao 11 lần trong đó tới 10 lần sau 31/12/2014.
“Đấy là một hạn chế, phải chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan như thế nào, phải có công tác kiểm điểm cán bộ. Phải chiếu Luật ngân sách nhà nước 2002, chậm là vi phạm, vi phạm luật thì xử lý thế nào?”, ông Chinh phát biểu.
Cũng nói về kỷ luật ngân sách, đại biểu Vũ Trọng Kim nhận xét, với kiến nghị tăng thu 11.351 tỷ đồng của 2015 chứng tỏ ngành tài chính lo tận thu, hay là nguồn thu đang để bên ngoài. Trong khi lại có 115.000 tỷ đồng bị đề nghị giảm chi, tức chi sai, chi không đúng, chi không có kế hoạch. Các khoản nợ đọng thuế phát sinh 159.000 tỷ đồng. Những con số này như thế rất lớn.
“Tới 150 văn bản đề nghị hủy bỏ, thay thế hoặc sửa đổi thuộc quản lý tài chính! Không biết là thế nào? Tôi không biết lý giải văn bản đó tồn tại để làm gì, làm sai lệch điều hành của Nhà nước? Vậy ngành tài chính có hoàn thành nhiệm vụ không?”, ông Kim chất vấn.
Vị đại biểu cũng tỏ ra tâm tư, nêu không làm rõ được những vấn đề nói trên thì việc báo cáo ra Quốc hội không có giá trị. “Lúc nào cũng thấy thông qua nhẹ nhàng, ấn nút hết cả. Như thế giám sát của Quốc hội thì rõ là nhiều nhưng cưỡi ngựa xem hoa là chủ yếu”, vị đại biểu đánh giá một cách nghiêm khắc.
Đại biểu Vũ Trọng Kim cũng chỉ thêm một dấu hiệu “khó” cho năm nay là có sự kiện APEC. Hiện hàng trăm xe Audi được mua sắm để chuẩn bị cho dịp này đã về đến Việt Nam. Ông Võ Trọng Kim băn khoăn, sự kiện quốc tế nào diễn ra cũng vậy, nhà nước sắm hàng loạt xe hoành tráng. Nhưng theo ông, mua sắm xe mới để đi lại cho oai trong ít ngày, sau đó lại “bán hóa giá mà toàn bán cho quan chức, hầu hết là quan chức có cỡ cả”.
Việc chi tiêu như vậy đó, theo đại biểu là quá lãng phí, không tiết kiệm. Ông đề nghị Quốc hội không dễ dàng duyệt cho những khoản chi này.
Tín dụng tăng nhanh nhưng vẫn khó vay vốn ngân hàng
Đại biểu Mùa A Vàng (Điện Biên) đặt vấn đề, chỉ tiêu GDP 6,7% cho năm 2017 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2. Khi đó, nhiều đại biểu đã cảnh báo khó đạt được kết quả đó, dựa trên sự phân tích, dự báo của các chuyên gia. Và những cảnh báo đó đến thời điểm này đã thấy là thực tế, khi con số tăng trưởng của quý I/2017 thấp nhất nhiều năm qua. Dự báo mức tăng trưởng cả năm nay chỉ có thể dừng ở số 6,3%.
Vậy, nếu Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện chỉ tiêu này, đại biểu cho rằng, cần có báo cáo cụ thể các giải pháp để chứng minh việc đó có khả thi.
Tán thành quan điểm này, đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên - Huế) phân tích, để phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm thì các tháng còn lại trong năm phải đạt mức tăng đều đều 7%.
Chung nhận định đây là nhiệm vụ rất khó hoàn thành, ông Thọ phân tích thêm, sản lượng dầu thô được giao năm nay giảm đến 14,2% (tức trên 3 triệu tấn). Vậy thì giải pháp thay thế là gì để nền kinh tế không phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên.
Đại biểu Vũ Trọng Kim cũng nhận định, sản lượng khai thác dầu như vậy sẽ làm giảm tăng trưởng khoảng 0,75%. Điều đó có nghĩa phần thu ngân sách năm nay sẽ gay go khi nguồn này đóng góp tới 23-25% thu ngân sách hàng năm của cả nước. Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP quý I, II như thế này, bài toán cho cả năm sẽ rất khó.
“Câu hỏi đặt ra là lý do tại sao sản lượng khai thác dầu năm nay lại giảm 3 triệu tấn so với năm trước. Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ về vấn đề này. Hay vừa rồi do kỷ luật lãnh đạo dầu khí nhiều quá mà chùn, không muốn làm nữa?”, ông Kim băn khoăn.
Theo đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An), tăng trưởng tín dụng 4 tháng đã đạt tới mức 5,76% thế nhưng sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp lại khó khăn.
“Tiếp xúc cử tri, lăn lộn với doanh nghiệp và người dân thì mới thấy tiếp cận vốn khó khăn nhường nào, không hề đơn giản chút nào. Tiếp cận khó thì sẽ tạo nên sức ì trong phát triển kinh tế”, ông Mão cho biết và chia sẻ mối băn khoăn và lo lắng về nợ xấu ngân hàng.
“Một lãnh đạo ngân hàng có phát biểu khiến đại biểu Quốc hội như tôi cũng rất bức xúc, rằng các ngân hàng như toa tàu mà đằng sau sự phát triển của các ngân hàng là nhân dân. Vậy là, ngân hàng lấy dân ra làm con tin với Quốc hội hay sao?”, ông Mão bày tỏ.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Giàu (An Giang) nhận xét, việc phát triển thị trường tài chính có nhiều thành công nhưng có những mặt không thành công.
“Khi tôi làm ngân hàng, dư nợ bàn giao 2,3 triệu tỷ đồng, nay đã lên gần 6 triệu tỷ đồng. Các nước khi đã đạt mức thu nhập trung bình thì họ phát triển thị trường vốn, tự khắc sẽ huy động được vốn, lãi suất cũng thấp hơn, chứ vay ngân hàng thì lãi cao, chi phí ngân hàng dự phòng rủi ro lớn vì có nợ xấu… Tất cả đều do người vay chịu hết”, ông Giàu chia sẻ.
Chính vì vậy, ông đề nghị cần phải phát triển nhanh thị trường vốn, vì có như vậy mới làm cho nền kinh tế minh bạch hơn và huy động vốn cũng thuận lợi hơn.
Theo Dân Trí