Vào thời kỳ trào lưu thưởng thức mì cay 7 cấp độ lên tới đỉnh điểm, nhiều cửa hàng thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Theo đó, hàng loạt hàng mì cay mọc lên như “nấm sau mưa”. Tuy nhiên, thời kỳ “đỉnh cao” đó chỉ diễn ra vài tháng ngắn ngủi.
Chia sẻ với Zing.vn, anh H., một chủ cửa hàng tại Cầu Giấy bồi hồi nhớ lại thời kỳ nở rộ của món mì cay 7 cấp độ ở Hà Nội. Gia đình anh H. là một trong những người đầu tiên đưa món mì cay từ miền Nam ra thủ đô. Những ngày đầu tiên, khi nhu cầu của giới trẻ tăng vọt, cả gia đình anh như không có thời gian nghỉ ngơi.
Quán mì cay 7 cấp độ đông đúc vào năm 2016. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Người thì chạy khắp Hà Nội đôn đáo tìm thuê mặt bằng, người lo tìm nhân viên, người lo tìm mua trang thiết bị, dụng cụ để nhanh chóng mở cửa hàng sớm nhất...
Ngày cửa hàng mì cay khai trương, anh H. chứng kiến cảnh đông khách mà bất cứ ông chủ nào cũng thèm muốn. Cửa hàng đông cứng khách từ 8h sáng đến 11h đêm.
Với số lượng nhân viên lên đến 50 người chia làm 3 ca, mỗi ngày cửa hàng phục vụ 600-700 lượt khách. Vào những ngày cuối tuần, con số còn cao hơn nhiều.
Doanh thu của cửa hàng theo đó cũng tăng nhanh chóng. Anh H. không tiết lộ con số lợi nhuận chính xác, nhưng theo anh là “rất đáng mơ ước”.
Món mì cay 7 cấp độ từng khiến giới trẻ Hà Nội phát sốt. Ảnh: Hiếu Công. |
Sự thành công của những cửa hàng mì cay đầu tiên lập tức hấp dẫn thị trường. Nhiều người nhanh chóng tìm hiểu và đầu tư mở các nhà hàng y theo mô hình nhượng quyền.
Ước tính của anh H., đã có khoảng 30-40 cửa hàng mì cay nhượng quyền được mở ở Hà Nội chỉ trong vòng 3 tháng.
Ngoài ra, còn hàng chục cửa hàng khác mở với thương hiệu riêng, tự phát.
Anh Đ., một chủ cửa hàng mì cay khá thành công ở Ba Đình, cho biết món mì cay có chu kỳ rất kỳ lạ. Theo chủ hàng này, bình thường một món ăn mới có chu kỳ ít nhất khoảng một năm mới thoái trào. Tuy nhiên, món mì cay 7 cấp độ lại có chu kỳ rất đặc biệt, thoái trào sau 4-5 tháng.
Du nhập vào Hà Nội khoảng tháng 7/2016, đến giáp Tết Nguyên đán 2017, sự sụt giảm của trào lưu ăn mì cay nhanh chóng thấy rõ.
Anh Đ. chia sẻ trước kia số lượng khách đến quán anh có thể lên đến 600-700 lượt/ngày, sau đó giảm xuống còn 400-500 lượt/ngày. Hiện tại, lượng khách hàng ngày chỉ bằng 1/3 lúc nở rộ, khoảng 200 lượt. Số nhân viên cũng giảm 1/3, nay còn khoảng 15 người thay nhau phục vụ 3 ca.
Nhưng cửa hàng của anh Đ. còn thuộc vào hàng “may mắn” khi hội tụ nhiều yếu tố có thể duy trì được lượng khách lớn. Nhiều cửa hàng có vị trí kém thuận lợi, hoặc mở sau “kém tên tuổi” hơn còn sụt giảm nhanh hơn.
Nhiều hàng mì cay vắng khách dù là giờ ăn trưa. Ảnh: Hiếu Công. |
Số khách giảm nhanh, doanh thu lao dốc, nhiều cửa hàng phải đóng cửa “tức tưởi” chỉ trong vòng một tháng hoạt động, vì càng hoạt động càng lỗ nặng. Một số hàng khác duy trì được 2-3 tháng. Số còn lại thì cầm cự được đến hiện tại với doanh thu “lay lắt”.
Anh Đ. tâm sự, các cửa hàng mì cay 7 cấp độ đều phải đầu tư với số vốn lớn, khoảng 1,5-2 tỷ đồng với chi phí rất đa dạng gồm nhiều khoản khác nhau. Cửa hàng nào cũng phải trả tiền thuê mặt bằng ban đầu rất lớn, với 20-30 triệu đồng/tháng và phải đóng ngay cùng lúc ít nhất 6 tháng.
Ngoài ra còn chi phí cải tạo cửa hàng, làm sàn gỗ, bàn ghế, bếp nấu, điều hòa... Thậm chí phải tạo không gian đậm chất Hàn Quốc, trẻ trung để thu hút các bạn trẻ.
Giải thích về thất bại của nhiều cửa hàng mì cay, anh H. tâm sự do nhiều nguyên nhân khác. Nhiều người không có sự phân tích kỹ càng về chi phí, lợi nhuận mà đã nhanh chóng đầu tư khi thấy thị trường đang nở rộ.
Đến khi bắt đầu có doanh thu thì phải trả mất một khoản đầu tư ban đầu rất lớn. Trong khi đó giá mì cay chỉ khoảng 40.000-50.000 đồng/bát nên việc thu hồi vốn cũng rất lâu, chưa kể đến xu hướng thoái trào, khách giảm nhanh chóng khiến việc thu hồi lại càng khó.
Ngoài ra, việc số lượng khách giảm còn kể đến nhiều yếu tố như vị trí có thuận lợi hay không, chất lượng đồ ăn có ngon, dịch vụ có tốt hay không…
Anh Đ. khẳng định ở Hà Nội hiện chỉ 2-3 cửa hàng mì cay hoạt động tốt. Còn lại hoạt động cầm chừng, doanh thu lao đốc. Rất nhiều ông chủ chấp nhận lỗ vài tỷ đồng đóng cửa “tức tưởi” sau vài tháng. Một số khác tính chuyện chuyển loại hình kinh doanh.
Theo Zing