|
Một ghe đang hút cát trên sông Đồng Nai, đoạn qua huyện Nam Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng |
Đoạn sông Đồng Nai chảy qua các huyện Nam Cát Tiên, Đạ Tẻh (Lâm Đồng) và huyện Tân Phú (Đồng Nai) hiện có 13 dự án khai thác cát. Tất cả đều do tỉnh Lâm Đồng cấp phép, trong đó có dự án thời hạn đến năm 2021.
Còn tỉnh Đồng Nai trước đây cũng từng cấp phép cho hai doanh nghiệp hoạt động khai thác cát, nhưng nay đã ngừng.
Trước đó, ngày 25-5, đoàn công tác hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã phối hợp khảo sát lại tình hình khai thác cát trên sông Đồng Nai.
Qua đó, các sở ngành hai phương cho rằng nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng việc cấp phép để hút cát cả ngày lẫn đêm khiến bờ sông sạt lở nghiêm trọng, trong lúc các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được.
Ông Phạm Quang Tường - Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Lâm Đồng - cho biết các cơ quan quản lý địa phương này chưa có cách kiểm soát công suất khai thác cát của các doanh nghiệp.
Đánh giá lại công tác quản lý khai thác cát hiện nay, ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - nói: “Giá trị đóng phạt mỗi lần có 1 triệu đồng, không bằng một phần nhỏ mà các doanh nghiệp khai thác. Lâu nay chúng ta quá lơ đãng, không làm mạnh nên người ta lợi dụng".
"Tôi đề nghị từ nay cứ vi phạm sẽ tham mưu đến UBND hai tỉnh thu hồi giấy phép. Chúng ta làm mạnh vài ba doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp khác thấy đó làm gương không dám khai thác”.
|
Một đoạn sông Đồng Nai giáp ranh ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai |
Còn ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai - cho biết thực tế việc cấp phép bằng cách chia nửa con sông theo địa giới hành chính như lâu nay rất khó kiểm soát cho cả hai địa phương.
Ông Hưng cho biết thêm, nhiều trường hợp doanh nghiệp được cấp phép ở Lâm Đồng nhưng "vươn vòi" về tận địa phận Đồng Nai để hút cát.
Sau các báo cáo trên của đại diện các sở ngành hai tỉnh, UBND hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã thống nhất tạm ngưng hoạt động tất cả dự án đang khai thác trong vòng 3 tháng để chấn chỉnh.
Phó chủ tịch UBND Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết việc tạm ngưng là để hai địa phương tổ chức đánh giá lại trữ lượng cát, đồng thời đưa các giải pháp để quản lý chặt chẽ hơn.
“Nếu chúng ta không thay đổi quản lý, tình trạng này sẽ tái diễn vì tiền bồi thường cho người dân và tiền đóng phạt không ăn thua, người ta sẵn sàng vi phạm rồi đóng phạt để tiếp tục khai thác” - ông Chánh nói.
Theo TTO